Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Đánh ghen sao cho đúng luật?

11:01 SA
Thứ Sáu 09/07/2021
 8765

Trong xã hội hiện đại, không ít những vụ đánh ghen đình đám, thương tâm như tạt axit hay cắt tóc, lột quần áo của đối phương, quay video phát tán làm nhục... Tuy nhiên, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi, người đánh ghen có thể bị phạt hành chính thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Vậy tại sao không đánh ghen đúng pháp luật?

1. Đánh ghen là gì?

Hiện nay việc đánh ghen không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào ở Việt Nam, “đánh ghen” chỉ là cách mọi người thường gọi chỉ những hành động của người mà có chồng/vợ ngoại tình, có quan hệ nam nữa bất chính với người khác, dùng lời nói, hành động nhằm mục đích đe dọa đối với người có hành vi ngoại tình với vợ/chồng của họ. Việc đánh ghen nếu thỏa mãn các yêu cầu của tội cố ý gây thương tích hoặc làm nhục người khác thì hoàn toàn có thể khởi tố hình sự, do đó trước khi tiến hành đánh ghen các bà vợ hoặc ông chồng nên tham khảo trước ý kiến của các chuyên gia pháp lý hoặc luật sư để trách rơi vào vòng lao lý.

Ngày nay, không khó để có thể bắt gặp những hành động đánh ghen ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội. Bạo lực ghen tuông không chỉ được các phụ nữ trưởng thành sử dụng mà trẻ vị thành niên cũng “đóng góp” vào “làng Youtube Việt Nam” những clip phong phú về việc “đánh ghen hội đồng”, gây chấn động dư luận. Facebook và các mạng xã hội khác cũng được sử dụng như những công cụ để việc “làm nhục” đối tượng bị đánh ghen được hữu hiệu, sâu sắc hơn. Những bài báo, clip với hành triệu lượt like, share với những cái tít gây shock kiểu như “Những kiểu đánh ghen kinh hoàng…” với bao la các thể loại mà các “Hoạn Thư” dùng để trả thù tình địch: Nhẹ thì vả cho vài cái bôm bốp vào mặt, vừa vả vừa giật ngược tóc, xé quần áo giữa đường giữa chợ…

Nặng đô hơn, nhiều chị em còn rủ anh chị em họ hàng cô bác gần xa đến đánh hội đồng “con giáp thứ 13”. Đánh xong rồi thì nhẫn tâm xát ớt, đổ chất thải lên người nạn nhân...

Sống trong xã hội pháp quyền, việc làm gì cũng cần phải thượng tôn pháp luật. Vậy khi đã bị đẩy vào “tình cảnh Hoạn Thư”, chúng ta phải làm gì để người “phản bội” mình vừa phải “đau” mà mình lại không vi phạm pháp luật?

2. Đánh ghen có vi phạm pháp luật?

Ngoại tình là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, xét về mặt xã hội và đạo đức, đây  là một hành vi không được đồng tình và đáng lên án. Nhưng nếu người trong cuộc không khôn khéo xử lý và bình tĩnh thì rất dễ họ vừa là nạn nhân vừa là người vi phạm pháp luật, bị pháp luật chế tài về hành chính lẫn trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, về trách nhiệm hành chính

Danh dự, nhân phẩm của mỗi người là quyền được Hiến pháp ghi nhận. Theo Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng – 300.000 đồng.

Trong trường hợp nếu đi đánh ghen hoặc thuê người khác đánh ghen mà xâm hại đến sức khỏe của đối phương thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng theo quy định điểm e, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Còn nếu hai bên đánh nhau, mức phạt sẽ là 500.000 đồng – 01 triệu đồng, cũng theo điểm a, khoản 2 Điều 5 Nghị định nêu trên.

Thứ hai, về trách nhiệm hình sự

Nếu như hành vi đánh ghen gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người đánh ghen có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác.

Những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng có thể cấu thành các tội sau:

+ Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015

+ Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015

Thứ ba, về trách nhiệm dân sự

Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nếu bạn có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, bạn còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khoẻ bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

3. Vậy, nên đánh ghen sao cho đúng luật?

Hôn nhân, tình yêu là một trong những vấn đề mà xã hội đặt cho những mối quan tâm hàng đầu. Theo giải thích từ ngữ của Luật hôn nhân và gia đình 2014, “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.” Hôn nhân là sự kết hợp của các cá nhân về mặt tình cảm, xã hội, và hoặc tôn giáo một cách hợp pháp, khi đứng trước lễ đuờng, hai con người hẹn thề sẽ yêu thương nhau đến cuối đời, ở bên nhau ngay cả lúc hạnh phúc lẫn khổ đau. Tuy nhiên không phải lời thề nào cũng sẽ thành sự thật, và không phải cuộc hôn nhân nào cũng hạnh phúc. Và từ những cuộc hôn nhân không hạnh phúc xuất hiện những vấn đề rất “nóng” mà xã hội quan tâm, đặc biệt là “đánh ghen”,  “ngoại tình”, “người thứ ba”.

Về mặt “tình”, thì những người phá vỡ lời thề trong hôn nhân là những người sai và sẽ phải chịu sự dằn vặt. Nhưng xét về “lí”, tức là về mặt pháp luật, thì họ có phải chịu hậu quả gì không? Đâu là cách đúng đắn nếu chẳng may chúng ta rơi vào hoàn cảnh “người bạn đời” trở thành “kẻ thù đời”.

Dù không được chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối phương; không được đánh nhau, gây thương tích cho đối phương nhưng vẫn có một cách đánh ghen không phạm luật là khởi kiện đối phương.

Việc đánh ghen hiệu quả nhất là bạn phải thu thập được chứng cứ xác đáng chứng minh quan hệ ngoại tình của vợ hoặc chồng với tình nhân. Sau đó tiến hành tố cáo đến các cơ quan chức năng (có thể lựa chọn cơ quan công an hoặc UBND cấp xã) hoặc cơ quan làm việc của người ngoại tình với tình nhân.

Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định, người đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ... sẽ bị phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng.

Nếu đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn thì có thể xử lý hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 01 năm, theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.

Do đó, căn cứ vào hậu quả gây ra do hành vi ngoại tình mà đối phương có thể bị xử lý theo mức phạt tương ứng. Nếu đối phương ngoại tình dẫn đến việc hai người ly hôn thì đối phương có thể bị xử phạt cải tại không giam giữ hoặc bị phạt tù theo như quy định trên.

Người ta hay nói tình yêu mù quáng. Ghen cũng mù quáng, nó dẫn ta tới những ý nghĩ sai lầm như: Nếu đối tác còn yêu ta, thì anh ấy sẽ không yêu ai khác. Thực tế cho thấy, chồng bạn dù vẫn yêu bạn nhưng nếu gặp một người khác hấp dẫn, họ vẫn có thể thích người đó. Chứ không phải khi đã yêu bạn rồi thì họ sẽ dửng dưng với tất cả. Tình cảm con người là mênh mông, vô bờ.

Đối với chuyện 'con giáp thứ 13', phụ nữ phải dùng não, không nên dùng tay chân. Đánh người là dại dột, vừa khiến mình đau và xấu xí, lại vừa làm trò cười cho thiên hạ. Ở xã hội "thượng tôn pháp luật", mọi sự nóng giận đều phải trả giá không hề rẻ. Nếu chẳng may bạn vướng vòng lao lý, cha mẹ, con cái sẽ ai trông lo? Hơn nữa, việc này cũng tạo điều kiện cho những người ngoại tình có cơ hội đến với nhau.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về việc đánh ghen sao cho đúng luật pháp. Nếu có vấn đề còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936 65 36 36 – 0972 17 27 57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .