Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Đang chấp hành án hình phạt tù thì có phải trả nợ không?

14:45 CH
Thứ Tư 16/06/2021
 3998

Khách hàng hỏi:

Em chào các Luật sư của Công ty Luật TNHH Sao Sáng ạ!

Thời điểm tháng 12/2019 em cho bạn em vay số tiền là 200.000.000 đồng để làm ăn, có thỏa thuận là mùng 10 hàng tháng trả 10.000.000 đồng cả gốc lẫn lãi và đến nay bạn em vẫn chưa trả hết nợ. Thời điểm tháng 3/2021 vừa rồi bạn em bị công an bắt quả tang đang thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tháng 4/2021 Tòa xử phạt 30 tháng tù giam. Kể từ khi bị bắt đến nay, bạn em không trả nợ được một đồng nào, điều đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình. Em có hỏi gia đình bạn thì được bảo là do bạn em không thông báo gì cho gia đình và đang bị hạn chế một số quyền, nghĩa vụ của công dân nên không phải trả nợ trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù.

Thưa Luật sư, theo họ nói thì có đúng không ạ? Luật sư tư vấn giúp em làm thế nào để đòi được nợ và bạn em sẽ trả nợ như thế nào khi đang chấp hành hình phạt tù ạ?

Em xin chân thành cảm ơn!

Luật sư trả lời:

Hiện nay, việc vay nợ diễn ra rất phổ biến, nhiều người nghĩ rằng đi tù sẽ bị hạn chế một số quyền, nghĩa vụ của công dân. Chấp hành hình phạt tù thì không có công ăn việc làm để tạo ra thu nhập cho cá nhân, do vậy không phải trả nợ trong thời gian chấp hành hình phạt tù. Điều này là đúng hay sai, chúng ta cùng phân tích dưới góc nhìn pháp luật hiện nay để giải đáp thắc mắc trên.

Trước hết, nợ đến hạn, đang trong tù có phải trả nợ hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì:

Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

a) Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

b) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.”

Do đó, công dân chỉ bị hạn chế một số quyền và nghĩa vụ theo quy định trên. Ngoài ra, công dân không có bị hạn chế quyền và nghĩa vụ nào khác của công dân khi đang chấp hành hình phạt tù.

Bên cạnh đó, theo Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015), quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Căn cứ theo quy định này, người bạn của em phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn. Nếu vay bằng tiền thì trả bằng tiền, nếu vay bằng vật thì trả bằng vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng khi không có thỏa thuận khác. Nghĩa vụ trả tiền còn được quy định tại khoản 1 Điều 280 BLDS 2015 như sau:

Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thoả thuận”.

Như vậy, không có văn bản nào hạn chế việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người đang chấp hành hình phạt tù. Đồng nghĩa, dù đi tù thì người vay nợ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

=> Trong trường hợp của bạn, bạn kia đã chậm trả số tiền và có thỏa thuận lãi, do đó, người vay bạn tiền phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất đã thỏa thuận đồng thời phải trả lãi 10%/năm trên lãi quá hạn hoặc là trả lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả là 150% lãi suất vay tương ứng với thời gian chậm trả.

Đã xác định được người chấp hành hình phạt tù vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, vậy người vay nợ thực hiện nghĩa vụ này như thế nào?

- Cách thức thứ nhất: Hoãn trả nợ khi đang chấp hành hình phạt tù

Trường hợp người vay đang đi tù, chưa thể thực hiện ngay nghĩa vụ trả nợ, có thể thỏa thuận với bên cho vay là sau khi thi hành án hoàn thành sẽ thực hiện nghĩ vụ trả nợ đó. Thỏa thuận này phải được bên cho vay phải đồng ý thì bên vay mới được hoãn nghĩa vụ trả nợ. Được quy định tại khoản 1 Điều 354 BLDS 2015 như sau:

1. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo”.

Theo quy định tại điều này, nếu đang chấp hành hình phạt tù không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ, người vay nợ phải thông báo cho bạn biết ngay và đề nghị được hoãn trả nợ đến khi thực hiện xong hình phạt tù. Nếu không có lý do khách quan hoặc thỏa thuận khác mà người vay không thông báo thì bạn có thể yêu cầu người đó bồi thường thiệt hại nếu đến hạn mà chưa trả hết nợ.

Đồng thời, nếu muốn được hoãn trả nợ, người vay phải được bạn đồng ý. Khi đó, việc hoãn trả nợ vẫn được coi là trả nợ đúng hạn.

- Cách thức thứ hai: Ủy quyền cho người khác trả nợ thay

Thực tế cho thấy, không phải lúc nào người vay nếu đi tù cũng có đủ điều kiện, thời gian để thông báo về việc hoãn trả nợ cho người cho vay hoặc người cho vay không đồng ý cho hoãn trả nợ thì còn một cách khác để thực hiện đó là ủy quyền cho người khác trả nợ thay. Bên thứ ba được ủy quyền có thể là người thân, bạn bè của người vay. Điều này được quy định tại Điều 283 BLDS 2015 như sau:

Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

Do đó, nếu đi tù không trả nợ được thì người này có thể ủy quyền cho bên thứ ba (người thân, bạn bè…) thay mình trả nợ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người đi vay vẫn phải chịu trách nhiệm trước bạn trong trường hợp người thứ ba không trả hoặc không trả đủ nợ.

Tóm lại, người đang chấp hành án hình phạt tù vẫn phải trả nợ. Trong trường hợp không thể tự mình trả thì có thể đề nghị hoãn hoặc ủy quyền cho người khác trả nợ thay.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến vấn đề dân sự nói chung và vấn đề cho vay - trả nợ nói riêng của Quý khách hàng để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương án tối ưu và hiệu quả.

Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .