Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Giải thể và phá sản đâu là "phao cứu sinh cho doanh nghiệp"

15:48 CH
Thứ Bảy 12/03/2022
 447

Trong nền kinh tế thị trường, phá sản hay giải thể doanh nghiệp được coi là hiện tượng kinh tế - xã hội tồn tại khách quan và cũng là nội dung quan trọng cần nghiên cứu bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của rất nhiều chủ thể trong quá trình triển khai các thủ thủ tục. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều cá nhân bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm này niệm này do đều mang đến một hậu quả pháp lý cuối cùng là chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, diễn ra quá trình phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp, giải quyết quyền lợi cho người lao động

     Thông qua việc phân tích các quy định pháp luật hiện hành về giải thể và phá sản doanh nghiệp ở trên, có thể thấy về bản chất, giải thể và phá sản doanh nghiệp có nhiều điểm khác biệt cơ bản :


       1. Về nguyên nhân 

       Được quy định tại khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 với 4 trường hợp giải thể doanh nghiệp khác nhau, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giải thể doanh nghiệp rất đa dạng, có thể xuất phát từ các lý do như bản thân chủ doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh, hết thời hạn kinh doanh, đã đạt được mục đích đặt ra khi tiến hành kinh doanh hay không thể tiếp tục kinh doanh vì làm ăn thua lỗ... (điểm a và b); Không đáp ứng đủ yêu cầu của pháp luật về số lượng thành viên tối thiểu trong một khoảngh thời gian nhất định (điểm c); Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (điểm d). Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 4 Luật phá sản 2014 thì nguyên nhân dẫn đến trường hợp phá sản chỉ bao gồm yếu tố kinh tế, đó là việc doanh nghiệp lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu.

        2. Về chủ thể quyết định

         Về cơ bản, việc tiến hành thủ tục giải thể chỉ được tiến hành theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần (gọi chung là chủ doanh nghiệp). Khi doanh nghiệp rơi vào các trường hợp giải thể doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu là tổ chức tiến hành thủ tục ra quyết định giải thể. Trên cơ sở quyết định này, doanh nghiệp sẽ tiến hành các trình tự, thủ tục để giải thể. Ngay cả đối với các trường hợp giải thể bắt buộc theo ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chủ thể ra quyết định và tiến hành giải thể doanh nghiệp cũng vẫn là chủ doanh nghiệp. Trái lại, đối với trường hợp phá sản doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền ra quyết định hay tiến hành thủ tục phá sản bởi trong mọi trường hợp, chỉ Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền mở thủ tục phá sản và tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

         3.Về điều kiện tiến hành

          Theo khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp chỉ được tiến hành giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp. Trong khi đó, đối với phá sản, doanh nghiệp bị áp dụng thủ tục phá sản khi mất khả năng thanh toán nợ. Cụ thể, khi doanh nghiệp muốn thực hiện thủ tục giải thể thì các nghĩa vụ tài chính còn nợ của doanh nghiệp phải được đảm bảo thanh toán đầy đủ. Ngược lại, vì doanh nghiệp trong thủ tục phá sản đang lâm vào tình trạng không thể thanh toán được nợ đến hạn, do đó trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, Tòa án có thể áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh để xác định phương án giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, tìm cách đảm bảo thanh toán nợ. Khi thủ tục phục hồi kinh doanh không đạt được hiệu quả thì Tòa án sẽ ra quyết định thanh lý tài sản và tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Cũng vì mất khả năng thanh toán nên các khoản nợ đối với doanh nghiệp phá sản sẽ chỉ được thanh toán trong phạm vi giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp đó.

         4.Về thủ tục thanh lý tài sản

          Khi tiến hành giải thể, về nguyên tắc doanh nghiệp sẽ phải thanh toán tất cả các khoản nợ nên doanh nghiệp sẽ chủ động tự đưa ra phương án giải quyết nghĩa vụ, được trực tiếp quản lý tài sản của mình, tự mình đứng ra thanh toán các khoản nợ cho chủ nợ. Trái lại, đối với phá sản, do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ nên quyền của doanh nghiệp đối với tài sản bị hạn chế. Phần tài sản còn lại của doanh nghiệp (tài sản phá sản) phải giao cho cơ quan trung gian là Tổ quản lý, thanh tra tài sản (do Tòa án quyết định thành lập) để quản lý và thanh toán cho các chủ nợ.

        5.Về chế tài pháp lý đối với người chịu trách nhiệm quản lý điều hành doanh nghiệp

          Pháp luật không đặt ra bất cứ giới hạn nào về quyền đối với người chịu trách nhiệm quản lý điều hành doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp bị giải thể. Ngược lại, người chịu trách nhiệm quản lý điều hành doanh nghiệp bị phá sản sẽ bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị phá sản. Sự khác biệt này thể hiện rõ thái độ của Nhà nước đối với người chịu trách nhiệm quản lý điều hành doanh nghiệp trong các trường hợp doanh nghiệp bị phá sản hoặc giải thể. Việc doanh nghiệp tiến hành giải thể xuất phát từ ý chí của chủ doanh nghiệp, đồng thời khi giải thể, doanh nghiệp vẫn đảm bảo thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ tài chính của mình. Trong khi đó, phá sản xảy ra xuất phát từ việc doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản nợ, trực tiếp gây ảnh hưởng tới tài sản của các chủ nợ mà nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do sự quản lý yếu kém, sai lầm của người quản lý điều hành doanh nghiệp nên việc đặt ra chế tài đối với những chủ thể này là cần thiết.

         6.Về hậu quả pháp lý của thủ tục

          Nếu như giải thể bao giờ cũng dẫn đến hậu quả pháp lý là chấm dứt hoạt động, xóa sổ doanh nghiệp trên thực tế thì thủ tục phá sản doanh nghiệp không phải lúc nào cũng mang đến hậu quả như vậy. Có những trường hợp, sau khi áp dụng thủ tục phá sản, doanh nghiệp không chấm dứt hoạt động mà chỉ bị thay đổi chủ doanh nghiệp (ví dụ một người nào đó mua lại toàn bộ doanh nghiệp để tiếp tục sử dụng doanh nghiệp đó sản xuất, kinh doanh) hoặc trong một số trường hợp Tòa án áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh có hiệu quả thì Tòa án sẽ quyết định chỉ thủ tục phá sản của doanh nghiệp, khi đó, doanh nghiệp sẽ có thể tiếp tục hoạt động. Như vậy, sau khi áp dụng thủ tục phá sản, vẫn có khả năng doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại.Nói một cách khác phá sản không chỉ nhắm đến mục đích đòi nợ mà còn chú trọng đến việc giúp đỡ để con nợ có thể phục hồi hoạt động kinh doanh. Cũng có thể hiểu đây là chiếc phao cứu sinh cho doanh nghiệp.

        Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .