Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Rủi ro pháp lý khi đứng tên công ty cho người khác

16:03 CH
Thứ Sáu 03/12/2021
 479

Trong những năm gần đây, số lượng các công ty được thành lập và hoạt động cũng ngày càng nhiều hơn một hiện tượng xuất hiện ngày càng phổ biến đó là nhờ đứng tên chủ sở hữu/cổ đông/đại diện theo pháp luật của công ty. Nhiều người xem đây là một cơ hội hấp dẫn bởi nghiễm nhiên trở thành chủ doanh nghiệp và có thêm một khoản thu nhập.

Tuy nhiên, đó chỉ là mặt tốt của vấn đề, những người đang phân vân hoặc đã đứng tên công ty cho người khác cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Các hoạt động kinh doanh trái phép.

Nhiều đối tượng sử dụng công ty như những vỏ bọc để thực hiện những hoạt động kinh doanh trái phép hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Là người đại diện pháp luật của Công ty chắc chắn bạn có thể bị liên đới cùng chịu trách nhiệm với những vi phạm pháp luật đó. Việc ký tên, đóng dấu vào các giấy tờ, biên bản, hợp đồng sẽ vô cùng nguy hiểm. Bạn không thể nào nói rằng mình không biết không hiểu những hoạt động của công ty khi mà chữ ký đó là chữ ký của bạn, con dấu đó lẽ ra do bạn quản lý lại được sử dụng cho những hoạt động phi pháp. Có quá nhiều những vụ việc mà khi công an phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp thì người chủ thực sự của doanh nghiệp đã cao chạy xa bay để lại người đứng tên cùng những hậu quả pháp lý nặng nề.

2. Nghĩa vụ đối với Công ty   

Bỏ qua những rủi ro liên quan đến hoạt động trái pháp luật của doanh nghiệp, giả dụ đó là một công ty kinh doanh hoàn toàn đàng hoàng, vẫn còn đó một loại rủi ro đó là trách nhiệm của người quản lý với các cổ đông, thành viên công ty. Điều 60 Luật doanh nghiệp 2014 đã quy định cụ thể các trách nhiệm của các chức danh quản lý trong công ty. Các trách nhiệm đó bao gồm thực hiện nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật, điều lệ và các nghị quyết của công ty …. Trong trường hợp những người quản lý trong Công ty không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình, Điều 161 Luật Doanh Nghiệp 2014 cho phép các chủ sở hữu hay nhóm chủ sở hữu trong doanh nghiệp khởi kiện để yêu cầu những người quản lý đó bồi thường cho công ty. Việc những người đứng tên giùm không biết hoặc không quan tâm đến các trách nhiệm của mình chắc chắn ko phải là lý do để miễn trừ trách nhiệm pháp lý của họ.

3. Người đại diện theo pháp luật không đúng với hoạt động thực tế

Theo quy định tại điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP về vi phạm quy định kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì trong những trường hợp phát hiện hồ sơ kê khai không trung thực, nội dung không chính xác, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng và đồng thời buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.

4.  Người cho mượn danh làm đại diện pháp luật không được quyền thành lập doanh nghiệp

Theo quy định ở điều 29 Nghị định 50/2016/NĐ-CP về vi phạm quy định đăng ký người thành lập doanh nghiệp thì việc đăng ký người đại diện theo pháp luật thuộc đối tượng không được quyền thành lập doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, đồng thời buộc phải đăng ký thay đổi với các thành viên, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sáng lập là cá nhân, tổ chức theo quy định.

5. Rủi ro tài chính

Bạn có thể được nhờ đứng tên là đại diện pháp luật cũng có thể là thành viên/cổ đông trong một công ty. Rủi ro tài chính ở đây là những người chủ thực sự có thể nhờ bạn đứng tên nhưng không thực hiện nghĩa vụ góp vốn như đã cam kết. Theo nguyên tắc trong trường hợp thành viên/cổ đông không thực hiện góp vốn như cam kết thì những người đó (chính là bạn trên hồ sơ giấy tờ pháp lý) sẽ liên đới chịu trách nhiệm với những nghĩa vụ tài chính của công ty (Khoản 4 Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014). Nếu bạn không thực sự hiểu biết và quan tâm đến hoạt động của công ty, ai mà biết được đến một ngày bỗng xuất hiện những khoản nợ trên trời rơi xuống và chính bạn thành viên/cổ đông chưa thực hiện góp vốn sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm với những khoản nợ đó.

6.  Những rắc rối phiền phức khác

Bạn là một người quản lý trong Công ty cho dù chỉ là danh nghĩa cũng sẽ có những phiền phức tìm đến với bạn. Đó là những buổi họp mà bạn bắt buộc phải có mặt. Đó sẽ là những người tìm đến công ty sẽ cần gặp gỡ bạn để xử lý công việc. Đó sẽ là việc kí tá hồ sơ, giấy tờ mà nhiều khi là phiền toái và tốn thời gian.  Rồi mối quan hệ giưã bạn và người nhờ đứng tên đó sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong quá trình làm việc chung khi khó tránh khỏi những va chạm nhất định. Đó là lý do nhiều người khuyên không nên kéo bạn bè hay người thân vào cùng làm chung vì sẽ rất dễ ảnh hưởng đến tình cảm giữa bạn và họ.

Với tất cả các lý do trên, chúng tôi khuyến nghị những người đã, đang và sẽ đứng tên giùm cho người khác trong một công ty thận trọng khi nhận vai trò của mình. Cái người ta thấy ngay được là một vị trí “hoành tráng” và có lẽ là một khoản tiền bồi dưỡng nhưng những rủi ro tiềm ẩn có thể chỉ phát sinh sau một khoảng thời gian nhất định. Để xử lý những vấn đề đó nhiều lúc đòi hỏi bạn bỏ ra nhiều hơn rất nhiều so với những gì các bạn đã nhận được. Ở đây, không ai nói các bạn nên làm hay không nên làm mà chỉ mong các bạn thật sự cân nhắc kĩ lưỡng để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất.

* Những Vấn Đề Chú Ý Khi Đứng Tên Công Ty Cho Người Khác

Khi đứng tên thành lập doanh nghiệp hộ thì những vấn đề đến từ hoạt động của công ty như kinh doanh thua lỗ, trốn thuế hoặc có hoạt động lừa đảo, kinh doanh trái phép thì ngoài số tiền phạt rất lớn thì còn có trách nhiệm hình sự trong các tội danh đó mà người đứng tên phải gánh chịu. Những lúc như thế này, giải quyết rất khó. Tuy không có quyền quyết định thực tế các vấn đề liên quan hoạt động của doanh nghiệp, nhưng sẽ lại là người đầu tiên bị cơ quan pháp luật “sờ gáy” khi doanh nghiệp hoạt động trái pháp luật

Một việc làm không mang lại nhiều lợi nhuận cho người đứng tên hộ, đôi khi còn mất thời gian cho việc ký tên vào các giấy tờ mà lại chịu rất nhiều những rủi ro có thể gặp phải. Vậy nên, tốt nhất không nên đứng tên hộ người khác trong đăng ký kinh doanh khi mà bạn không tham gia các hoạt động của doanh nghiệp.

Do vậy để tránh được những rủi ro pháp lý, cũng như những vấn đề xấu có thể xảy ra trong quá trình đứng tên giùm cho doanh nghiệp, trước khi đứng tên giùm, người đại diện nên xem xét kỹ lường mối quan hệ của mình với chủ sở hữu thực sự,cân nhắc tư cách của người nhờ đứng tên, tính minh bạch của vụ việc. Người nhờ có đáng tin không? Tài sản họ nhờ bạn đứng tên do đâu mà có? Giấy tờ đứng tên có hợp pháp không?, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh của công ty, mô hình doanh nghiệp….

Nếu không thể xác định rõ các vấn đề trên nếu được nhờ đứng tên công ty, giám đốc và trực tiếp ký chứng từ, nên từ chối ngay. Dù người nhờ chứng minh được họ làm ăn chân chính nhưng không đủ điều kiện để theo dõi sát sao. Hậu quả rất khó lường.

Bản thân người được nhờ đứng tên phải xác định rõ việc mình làm đúng hay sai, có bị pháp luật cấm hay không, tư cách, quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình khi đứng tên giùm cho doanh nghiệp. Nhưng một khi sự cố xảy ra, cách tốt nhất hãy gặp luật sư càng sớm càng tốt để tìm cách chứng minh sự trong sạch của mình.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .