Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Đình công là gì? Thủ tục đình công hợp pháp

14:07 CH
Thứ Ba 22/11/2022
 482

Khi quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, giữa người lao động và người sử dụng lao động không tìm được tiếng nói chung, người lao động thường chọn giải pháp đình công. Trong Bộ luật Lao động năm 2019 hiện hành ghi nhận các quy định về đinh công của người lao động. Để hiểu rõ hơn về quy định này, Luật Sao Sáng xin được gửi đến Quý độc giả bài viết phân tích sau.

Đình công là gì?

Điều 198 Bộ luật Lao động năm 2019 đưa ra khái niệm về đình công như sau: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Như vậy theo quy định trên, ta có thể hiểu đình công là việc người lao động đấu tranh với người sử dụng lao động bằng hình thức ngừng làm việc tạm thời. Việc ngừng làm việc này phải xuất phát từ sự tự nguyện, với mục đích yêu cầu người sử dụng lao động đáp ứng những yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Người lao động đình công đòi quyền lợi (Nguồn: internet)

Khi nào người lao động được phép đình công?

Mặc dù pháp luật lao động tôn trọng quyền đình công của người lao động nhưng vì những cuộc đình công thường kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuát, hơn hết việc đình công còn có nguy cơ cao gây mất trật tự công cộng nghiêm trọng hơn có thể bị lợi dụng ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng. Do vậy người lao động chỉ có quyền hiện đình công trong các trường hợp được quy định tại Điều 199 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể như sau:

“Điều 199. Trường hợp người lao động có quyền đình công

Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:

1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Trường hợp nơi sử dụng lao động là nơi có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người thì người lao động không được phép thực hiện đình công. Theo Phục lục VI của Nghị định 145/2020/NĐ-CP những nơi sử dụng lao động không được đình công gồm:

  • Sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện;
  • Thăm dò, khai thác dầu khí; sản xuất, cung cấp khí, gas;
  • Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải;
  • Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; bưu chính phục vụ cơ quan Nhà nước;
  • Cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương;
  • Trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.

Điều kiện để đình công hợp pháp

Việc xác định đình công hợp pháp hay không có ý nghĩa rất quan trọng bởi việc đình công không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn là căn cứ để xác định quyền lợi của người lao động trong thời gian tham gia đình công

Hiện nay Bộ luật Lao động quy định đình công trong các trường hợp sau là đình công bất hợp pháp:

         1. Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.

2. Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

3. Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.

4. Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.

5. Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.

6. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.

Như vậy tính hợp pháp của một cuộc đình công chỉ được xét chủ yếu về mặt thủ tục tiến hành thực hiện. Tức là không xem xét về nội dung tranh chấp, yêu cầu của người lao động với người sử dụng lao động.

Trình tự thực hiện đình công hợp pháp

Về Trình tự thực hiện đình công, Điều 200, và 201 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về trình tự như sau:

Bước 1: Lấy ý kiến về đình công

Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng. Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác. Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.

Nội dung lấy ý kiến bao gồm:

  • Đồng ý hay không đồng ý đình công
  • Phương án của tổ chức đại diện người lao động về cuộc đình công

Bước 2: Ra quyết định đình công và thông báo đình công

Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công theo đúng quy định được nêu tại Bước 1 thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản.

Nội dung của quyết định đình công bao gồm những mục sau:

  • Kết quả lấy ý kiến đình công;
  • Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;
  •  Phạm vi tiến hành đình công;
  •  Yêu cầu của người lao động;
  •  Họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

Sau khi ra quyết định đình công, ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động phải thực hiện thông báo bằng văn bản về việc quyết định đình công gửi đến những đơn vị sau:

  • Người sử dụng lao động;
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện;
  • Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Bước 3: Tiến hành đình công

Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

Trước và tong quá trình đinh công, các bên có quyền: tiếp tục thỏa thuận để giải quyết nội dung tranh chấp lao động tập thể hoặc cùng đề nghị hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động.

Tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định tại điều 198 của Bộ luật Lao động có quyền sau đây:

  • Rút quyết định đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công;
  • Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp.

Người sử dụng lao động có quyền sau đây:

  • Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công;
  • Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công do không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản: Ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc, người sử dụng lao động phải niêm yết công khai quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc tại nơi làm việc và thông báo cho các cơ quan, tổ chức sau đây: Tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nơi làm việc dự kiến đóng cửa; Ủy ban nhân dân cấp huyện có nơi làm việc dự kiến đóng cửa. Ngoại trừ các trường hợp bị cấm đóng cửa tạm thời là: Trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công và trường hợp sau khi người lao động ngừng đình công.
  • Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp.

Có thể thấy đình công là một trong những quyền cơ bản của người lao động đã đươc Bộ luật Lao động năm 2019 ghi nhận. Theo đó, người lao động được phép thực hiện đình công trong những trường hợp nhất định. Tuy nhiên vì tính chất của đình công có thể gây ảnh hưởng lớn không chỉ tới hoạt động kinh doanh sản xuất, lợi ích kinh tế của người sử dụng lao động mà còn có khả năng gây mất trật tự an toàn công cộng, an ninh quốc phòng nên người lao động trước khi thực hiện việc đình công cần tuân thủ các quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn liên quan. Hơn hết người lao động nên bình tĩnh, tỉnh táo, hành động vì lợi ích không chỉ của cá nhân mình mà vì lợi ích của cả cộng đồng, tập thể người lao động, tránh để bị lôi kéo, kích động từ những đối tượng xấu.

Trên đây là toàn bộ nội dung chúng tôi xin gửi đến Quý độc giả về vấn đề “Đình công là gì? Thủ tục đình công hợp pháp?”. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936 65 36 36 - 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .