Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

NGHỈ VIỆC KHÔNG BÁO TRƯỚC CÓ PHẢI BỒI THƯỜNG?

7:50 SA
Thứ Bảy 01/10/2022
 535

      Nghỉ việc còn được hiểu là Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là quyền của người lao động được pháp luật quy định và bảo vệ. Tuy nhiên người lao động trước khi nghỉ việc cần thực hiện việc báo trước cho công ty một khoảng thời gian nhất định. Nếu vi phạm quy định về thời gian báo trước người lao động sẽ phải bồi thường cho công ty người sử dụng lao động.

      Vậy có trường hợp nào người lao động không cần báo trước hay không? Mức bồi thường cho công ty là bao nhiêu?

      Luật Sao Sáng xin gửi tới Quý độc giả bài viết phân tích về Quy định thời gian thông báo trước khi nghỉ việc, trách nhiệm bồi thường và hậu quả pháp lý khi người lao động vi phạm nghĩa vụ báo trước theo quy định Bộ Luật lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Quy định về thời gian thông báo trước khi nghỉ việc

      Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là quyền cơ bản của người lao động được ghi nhận tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5 BLLĐ 2019. Cũng theo Khoản 1 Điều 35 Bộ luật này, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước với khoảng thời gian như sau:

      +Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

      Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

      + Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

      + Đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù, thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

      (Một số nghành, nghề, công việc đặc thù như: thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; …v.v)

Các trường hợp không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động

      Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 BLLĐ 2019, người lao động nghỉ việc không cần phải báo trước và vẫn được coi là chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật trong các trường hợp sau:

- Không được bố trí đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không đảm bảo điều kiện làm việc theo thỏa thuận

      Trừ trường hợp doanh nghiệp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp động lao động do sự cố thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố về cơ sở kinh doanh hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi.

- Không được trả đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn

      Trừ trường hợp chậm lương cho có lý do bất khả kháng mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể trả lương đúng thời hạn và chỉ được chậm lương tối đa 30 ngày.

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động 

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc

      Nơi làm việc tại được hiểu theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 BLLĐ năm 2019 gồm bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

Quấy rối tình dục tại nơi làm được biểu hiện bởi hành vi cụ thể bao gồm:

      + Hành vi mang tính thể chất: hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

      + Quấy rối tình dục bằng lời nói: bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

      +  Quấy rối tình dục phi lời nói: sử dụng ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc bởi nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi

      Trong trường hợp này người lao động phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật

      Trừ trường hợp giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận khác. Nếu người lao động nghỉ việc không báo trước theo đúng thỏa thuận sẽ bị coi là chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

- Người sử dụng lao động cung cấp các thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động

      Các thông tin mà người sử dụng cung cấp không trung thực có thể là các thông tin sau: thông tin về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.

Trách nhiệm bồi thường, hậu quả pháp lý bất lợi khi nghỉ việc không báo trước

      Việc người lao động nghỉ việc mà không thông báo cho người sử dụng lao động đúng theo quy định như đã phân tích ở phần đầu bài viêt được coi là Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Điều này sẽ dẫn đến việc người lao động sẽ phải chịu các hậu quả bất lợi như sau:

  • Không được chi trả trợ cấp thôi việc:

      Người lao động làm việc từ đủ 12 tháng trở lên khi nghỉ việc sẽ được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên nếu không báo trước hoặc vi phạm thời gian báo trước thì người lao động sẽ không được người sử dụng chi trả khoản tiền này theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 BLLĐ 2019.

  •  Phải bồi thường cho người sử dụng lao động:

      Theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 BLLĐ 2019 người lao động sẽ phải bồi thường cho người lao động khi nghỉ việc không báo trước.

Mức bồi thường như sau: Nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động + một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

  •  Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo

      Trong quá trình làm việc, giữa người sử dụng lao động và người lao động có thể có thỏa thuận về việc người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, hoặc được đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động. Điều này có thể đã được hai bên ghi nhận bằng một hợp đồng đào tạo nghề hoặc một điều khoản khi hai bên ký kết hợp đồng lao động. Tùy thuộc vào thảo thuận trong hợp đồng đào tạo nghề và kinh phí người sử dụng lao động trước đó đã bỏ ra, người lao động có thể phải hoàn trả lại toàn bộ các chi phí này cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 40 BLLĐ 2019.

      Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về vấn đề Quy định thời gian thông báo trước khi nghỉ việc, trách nhiệm bồi thường và hậu quả pháp lý khi người lao động vi phạm nghĩa vụ báo trước. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936653636 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .