Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Nội dung của "nguyên tắc suy đoán vô tội"

15:02 CH
Thứ Tư 30/03/2022
 540

Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển mới trong quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội. Các bản Hiến pháp và pháp luật Việt Nam trước đó quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội mới chỉ bao hàm một nội dung, đó là không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật.

Hay nói cách khác, người nào đó chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Như vậy, những trường hợp bị kết án oan, phải chấp hành hình phạt, kể cả hình phạt tù thì cũng bị coi là có tội vì đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Hiện nay, người bị coi là có tội phải có đủ hai điều kiện:

–  Thứ nhất, việc phạm tội của người đó phải được chứng minh theo đúng trình tự của pháp luật

–  Thứ hai, phải có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với người đó.

Như vậy, thiếu một trong hai điều kiện trên thì người bị buộc tội vẫn được “coi” là chưa có tội. Với quy định này, pháp luật mở ra cơ hội cho người dù bị kết án oan vẫn có thể được coi là người chưa có tội vì việc thực hiện hành vi phạm tội chưa được chứng minh theo đúng trình tự luật định mà việc kết tội được thực hiện sai pháp luật, trong đó có cả trường hợp mớm cung, ép cung, dùng nhục hình bị pháp luật nghiêm cấm.

          Trên cơ sở Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là bộ luật đầu tiên của Việt Nam chính thức quy định: “Nguyên tắc suy đoán vô tội”. Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

So với quy định tại Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự đã bổ sung thêm quy định  khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Đây vừa là nội dung, vừa là cách thức thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội.

          Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Khi chứng minh tội phạm, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh sự thật khách quan, toàn diện và đầy đủ nhằm làm rõ chứng cứ xác định tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ cho người bị buộc tội.

Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định: Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Như vậy, suy đoán vô tội được áp dụng suốt trong quá trình tố tụng hình sự. Trong giai đoạn điều tra nếu không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm mà thời hạn điều tra đã hết thì cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Còn khi chuyển sang giai đoạn xét xử vụ án mà hội đồng xét xử không có đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo có tội thì phải phải ra bản án tuyên bị cáo không có tội.

          Từ những phân tích nêu trên, theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội được thể hiện cụ thể như sau:

          –  Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

          +  Thứ nhất, yêu cầu về lỗi phải được chứng minh theo trình tự, thủ tục. Đây là yêu cầu đầu tiên của nguyên tắc suy đoán vô tội. Để đáp ứng được điều kiện về trình tự thủ tục, Bộ luật tố tụng năm 2015 đã quy định và tổng hợp một chương riêng về một số biện pháp điều tra đặc biệt như: Ghi âm bí mật, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử (Điều 233).

          + Thứ hai, yêu cầu phải có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đây là hợp phần thứ hai của khái niệm nguyên tắc suy đoán vô tội. Tòa án chính là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước có quyền ra bản án kết tội khi có các căn cứ theo quy định pháp luật. Tính duy nhất của Tòa án thể hiện ở chỗ ngoài Tòa án ra, không có bất cứ cơ quan nào khác có thể ra quyết định đó, kể cả Quốc hội, chính phủ,... Như vậy, chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền phán quyết, xác định một người có tội bằng bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Bản án là một văn bản pháp lý ghi nhận phán quyết của Tòa án đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử, và phản ánh những kết quả của phiên tòa, ý kiến phân tích, kết quả tranh tụng và đánh giá của hội đồng xét xử. Bản án quyết định bị cáo là người có tội hoặc không có tội. Tuy nhiên, mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị đưa ra xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm hay tái thẩm thì nguyên tắc suy đoán vô tội cũng không mất đi hiệu lực mà nó lại tiếp tục có hiệu lực trong quá trình giải quyết vụ án. Bởi, ngay cả khi bản án, quyết định của Tòa án tuyên vô tội được đưa ra giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm không có quyền kết tội bị cáo mà chỉ có quyền ra quyết định hủy bản án để điều tra và xét xử lại. Và theo đó, nguyên tắc suy đoán vô tội tiếp tục được thực hiện.

–  Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Cùng với việc khẳng định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS năm 2015 quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cũng có nghĩa thừa nhận người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình. Trách nhiệm chứng minh này thuộc về bên buộc tội. Như vậy, để có thể ra một trong các quyết định khởi tố, điều tra, truy tố,... đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh và xác định rõ ràng các căn cứ là có tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Trường hợp nếu xác minh không đủ các căn cứ để ra một trong các quyết định trên thì cơ quan tố tụng phải ra quyết định trả tự do hoặc tuyên bố người bị buộc tội không phạm tội. Suy đoán vô tội có nghĩa là: không chứng minh được có tội đồng nghĩa pháp lý với chứng minh vô tội. Trong giai đoạn xét xử, Hội đồng xét xử phải làm rõ nội dung về chứng minh việc phạm tội trên cơ sở chứng cứ được điều tra xem xét trực tiếp tại phiên tòa. Bản án kết tội chỉ có thể được xác định với điều kiện Hội đồng xét xử nhận thấy rằng, tội phạm đã được chứng minh làm rõ. Suy đoán vô tội bác bỏ định kiến có tội dưới mọi hình thức và là một bảo đảm quan trọng đối với quyền con người của bị can, bị cáo.

Suy đoán vô tội không cấm điều tra viên, kiểm sát viên cáo buộc người phạm tội và chứng minh việc phạm tội nhưng cấm đối xử với người bị buộc tội như đối với người phạm tội trong khi việc thực hiện hành vi của họ chưa được chứng minh theo đúng trình tự luật định và chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật. Suy đoán vô tội gắn bó chặt chẽ với quyền được bào chữa của người bị buộc tội.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .