Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CHUYỂN NHẦM TIỀN QUA NGÂN HÀNG CHO NGƯỜI KHÁC, LÀM CÁCH NÀO ĐỂ LẤY LẠI?

15:22 CH
Thứ Ba 18/04/2023
 213

Trong cuộc sống hằng ngày, giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng đã là một hoạt động quen thuộc đối với tất cả chúng ta. Nhưng đồng thời xuất hiện cùng với tiện ích chuyển tiền qua ngân hàng tiện lợi, nhanh chóng thì cũng xuất hiện vấn đề là chúng ta có thể chuyển tiền nhầm tới người khác. Chuyển tiền nhầm có thể là chuyển sai người hoặc chuyển nhầm số tiền cần chuyển gây ra các bất tiện cũng như là có một trải nghiệm tồi tệ đối với dịch vụ này. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu khi mình chuyển nhầm tiền qua ngân hàng cho người khác như vậy thì có lấy lại được không? Mời quý độc giả hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây!

1. Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

- Nghị định 144/2021/NĐ-CP

2. Có những trường hợp nào có thể dẫn tới chuyển tiền nhầm?

Có một số nguyên nhân sau đây dẫn đến chuyển tiền nhầm:

Thứ nhất, sai tên người được chuyển tiền, khi chuyển chúng ta có thể nhập sai tên người cần chuyển dẫn đến việc tiền có thể không đến được tới tài khoản của người đó.

Thứ hai, sai số tài khoản của người được chuyển tiền, cũng tương tụ như trên khi chuyển chúng ta có thể nhập sai số tài khoản của người được chuyển khiến tiền không đến được tới tài khoản của người đó.

Thứ ba, sai ngân hàng, khi chuyển tiền tới bất kỳ ai, chúng ta phải chú ý rằng mình đã lựa chọn đúng ngân hàng của tài khoản người nhận chuyển tiền nếu không thì cũng sẽ không thể chuyển tiền tới được tài khoản người đó.

Và cuối cùng, đó là chuyển sai số tiền mình cần chuyển, khi chuyển tiền chúng ta có thể vô tình gõ thừa một hoặc hai số khiến cho số tiền mình chuyển lớn hơn giá trị mình cần chuyển ban đầu rất nhiều, và nếu không tìm được cách giải quyết thì chúng ta sẽ vô tình làm mất một khoản tiền rất lớn.

3. Làm cách nào để lấy lại tiền khi chuyển tiền nhầm?

Khi chuyển tiền nhầm thì có thể xử lý bằng cách đến ngay chi nhánh hoặc quầy giao dịch của ngân hàng chúng ta sử dụng để chuyển tiền rồi thông báo với nhân viên ngân hàng về việc chuyển tiền nhầm để được hỗ trợ xử lý. Sau khi cung cấp thông tin thì nhân viên ngân hàng liên hệ bên nhận tiền và yêu cầu hoàn trả số tiền cần chuyển. Nhân viên ngân hàng không được phép cung cấp thông tin của người khách hàng. Nếu ngân hàng đưa ra yêu cầu hoàn trả và quy định thời gian tối đa nhưng hết thời gian quy định chúng ta chưa nhận được tiền hoàn trả thì ngân hàng sẽ hướng dẫn quy trình khởi kiện theo quy định pháp luật.

4. Hình phạt dành cho hành vi cố tình giữ tiền bị chuyển nhầm

Hành vi cố tình giữ tiền bị chuyển nhầm có thể được coi là hành vi chiếm giữa tài sản của người khác. Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;”

Bên cạnh đó còn có các hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 3 của Điều 15 như tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 của Điều 15 như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.

“3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”

“4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;

…”

Hành vi cố tình không trả lại tiền bị chuyển nhầm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy nếu cố tình không trả số tiền bị chuyển nhầm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu giá trị tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên thì có bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về chủ đề chuyển nhầm tiền qua ngân hàng cho người khác, làm cách nào để lấy lại. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .