Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

HÀNH VI DÙNG TIỀN LÀM HOA ĐỂ BÁN TRONG DỊP VALENTINE LIỆU CÓ BỊ XỬ PHẠT?

11:12 SA
Thứ Tư 15/02/2023
 719

Ngày 14/2, ngày Valentine hay còn gọi là ngày Lễ Tình Nhân có thể nói là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của các cặp đôi yêu nhau. Đây là dịp để các cặp đôi có cơ hội thể hiện tình yêu dành cho một nửa của mình bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như một món quà thật đặc biệt. Theo xu hướng phát triển của xã hội, quà tặng trong ngày Valentine cũng ngày càng đa dạng, một trong số đó đang xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây ở Việt Nam đó là những bó hoa bằng tiền thật. Vậy hành vi dùng tiền mặt để làm hoa liệu có vi phạm pháp luật không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Căn cứ pháp lý

- Bộ Luật Dân sự 2015

- Quyết định 130/2003/QĐ-TTg

- Nghị định 88/2019/NĐ-CP

2. Quy định của pháp luật

Thực tế, pháp luật Việt Nam không cấm việc dùng tiền thật làm hoa để bán.

Xét khoản 1 Điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.”

Chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt tài sản của mình theo Điều 192 Bộ Luật Dân sự 2015 cụ thể là “chuyển giao quyền sở hữu tài sản”.

Và chỉ cần đáp ứng được những quy định tại Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự” thì việc dùng tiền thật để làm hoa bán không hề bị coi là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên nếu như trong quá trình làm hoa bằng tiền thật, người bán có các hành vi như cắt, xé gây hư hỏng, biến dạng, ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg Về việc bảo vệ tiền Việt Nam thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là “2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.”

3. Hình thức xử phạt

Đối với hành vi “Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào”, hình thức xử phạt được quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cụ thể tại khoản 3 Điều 31

“Điều 31. Vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

…”

Như vậy nếu dùng tiền thật để làm hoa mà trong quá trình làm có các hành vi như cắt, xé, hủy hoại tiền thì có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

4. Mức xử phạt đối với hành vi đổi tiền không đúng quy định pháp luật

Mua bán là hành vi trao đổi hàng hóa, trong hành vi dùng tiền thật làm hoa để bán, tiền là loại hàng hóa được dùng để trao đổi như vậy có thể coi như đây là một hành vi đổi tiền. Hoạt động đổi tiền nhằm mục đích hưởng lợi, hưởng chênh lệch là không đúng quy định pháp luật. Căn cứ theo điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP:

“5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật …”

Như vậy nếu thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền lên đến 40.000.000 đồng.

Hành vi làm hoa bằng tiền thật để bán tuy không bị pháp luật nghiêm cấm tuy nhiên đây là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người bán cần đề phòng. Người dân cũng cần lưu ý khi mua những bó hoa làm bằng tiền thật để tránh được những thiệt thòi không đáng có. Dẫu biết những ngày lễ đặc biệt đối với các cặp đôi yêu nhau như Valentine ai cũng muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt cho đối phương, tuy nhiên điều đặc biệt không nhất thiết phải nằm ở những món quà đặc biệt hay đắt tiền mà đôi khi nó chỉ là một món quà giản dị hay một buổi đi chơi thân mật giữa hai người.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về hành vi dùng tiền để làm hoa. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .