Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

HÀNH VI ÉP RƯỢU NGƯỜI KHÁC CÓ BỊ PHÁP LUẬT XỬ LÝ HAY KHÔNG?

15:46 CH
Thứ Tư 26/04/2023
 229

Trong những cuộc gặp gỡ khách hàng, hẹn hò bè bạn hay trong các sự kiện, chương trình, việc phải uống rượu và gặp gỡ mọi người là một điều không thể tránh khỏi. Cùng với đó chúng ta cũng không thể tránh khỏi việc được người khác mời rượu để làm quen, nói chuyện. Nhưng nhiều người lại lợi dụng điều này làm cái cớ để ép buộc người kia phải uống rượu mặc dù đã từ chối nhiều lần. Vậy hành vi ép rượu người khác có bị pháp luật xử lý hay không? Mời quý độc giả hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây!

1. Căn cứ pháp lý:

- Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019

- Nghị định 117/2020/NĐ-CP

2. Hành vi ép, buộc người khác uống rượu bia có bị pháp luật nghiêm cấm không?

Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.”

Như vậy ngay tại khoản 1 của Điều này đã quy định hành vi ép, buộc người khác uống rượu bia là hành vi bị nghiêm cấm.

3. Hình thức xử phạt đối với hành vi ép, buộc người khác uống rượu, bia

Khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định như sau:

Điều 30. Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;

b) Ép buộc người khác uống rượu bia.”

Như vậy, đối với hành vi ép, buộc người khác uống rượu bia có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Uống rượu, bia không có gì là sai khi chúng ta đã đủ tuổi, kể cả việc mời người khác cũng vậy, có thể chúng ta không có ý định gì xấu mà chỉ muốn mời rượu, mời bia để làm quen, kết bạn, giao lưu nhưng đừng vì thế mà ép, buộc họ phải uống nếu họ không muốn như vậy vừa không thể tạo được thiện cảm, vừa có thể bị xử phạt vì hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về chủ đề hành vi ép rượu người khác có bị pháp luật xử lý hay không. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .