Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ LÀ GÌ? CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ KHÔNG?

9:30 SA
Thứ Sáu 23/12/2022
 286

Trong thời kỳ công nghệ ngày một phát triển như hiện nay, việc sử dụng chữ ký điện tử đã không còn quá xa lạ với nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Nó không chỉ được sử dụng trong các văn bản, hợp đồng mà còn có giá trị tương đương như một chữ ký tay bình thường. Vậy bạn đã hiểu về chữ ký điện tử là gì chưa? Hãy cùng Luật Sao Sáng tìm hiểu về khái niệm, giá trị pháp lý và lợi ích của chữ ký điện tử trong cuộc sống.

1. Chữ ký điện tử là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định như sau:

“Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.”

Như vậy, Chữ ký điện tử là một dạng thông tin được đi kèm theo dữ liệu. Dữ liệu đó có thể là: văn bản, video hoặc hình ảnh. Mục đích chính của chữ ký điện tử là xác định người chủ của dữ liệu đó.

Bên cạnh đó, tại Khoản 6, Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số quy định:

“6. “Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”

Như vậy có thể hiểu, chữ ký số được xem là một dạng của chữ ký điện tử, khái niệm chữ ký điện tử – mặc dù thường được sử dụng cùng nghĩa với chữ ký số nhưng thực sự có nghĩa rộng hơn. Với việc phân biệt rạch ròi khái niệm chữ ký điện tử và chữ ký số, hy vọng người đọc sẽ hiểu được rõ khái niệm chữ ký số điện tử là gì? Chữ ký điện tử và chữ ký số có phải là một hay không?

2. Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý không?

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 24, Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể:

Nếu trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau:

- Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu;

- Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi

Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và chữ ký điện tử có chứng thực.

Bên cạnh đó, Chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu được kiểm chứng bằng một quy trình kiểm tra an toàn do các bên giao dịch thỏa thuận và đáp ứng được các điều kiện sau đây:

- Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ gắn duy nhất với người ký trong bối cảnh dữ liệu đó được sử dụng;

- Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký;

- Mọi thay đổi đối với chữ ký điện tử sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;

- Mọi thay đổi đối với nội dung của thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.

Như vậy, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử online đã được quy định rõ ràng, tạo căn cứ pháp lý vững chắc cho việc tăng độ phủ sóng sử dụng chữ ký điện tử tại Việt Nam. Hiện nay, chữ ký số không chỉ được sử dụng rộng rãi trong doanh nghiệp, mà còn hướng đến đối tượng là cá nhân có nhu cầu thực hiện các giao dịch điện tử, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế của xã hội.

3. Nguyên tắc sử dụng chữ ký điện tử

Tại Điều 23 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có nêu một số nội dung về nguyên tắc sử dụng chữ ký điện tử trên các văn bản/hợp đồng điện tử như sau:

- Các bên tham gia giao dịch điện tử có quyền thỏa thuận:

+ Sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử để ký trong quá trình giao dịch;

+ Sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực;

+ Trong trường hợp 2 bên thỏa thuận sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực, cần lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử;

- Chữ ký điện tử của cơ quan nhà nước phải được chứng thực bởi tổ chức/đơn vụ cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Như vậy theo nội dung kể trên, chúng ta có thể căn cứ để trả lời cho câu hỏi Có bắt buộc sử dụng chữ ký điện tử hay không? như sau: Các bên khi tham gia giao dịch điện tử được phép thỏa thuận về việc có sử dụng chữ ký điện tử hay không. Trong trường hợp các bên không sử dụng chữ ký điện tử vẫn có quyền thực hiện giao dịch điện tử mà không cần ký điện tử.

4. Lợi ích khi sử dụng chữ ký điện tử

- Tiết kiệm thời gian cho người sử dụng trong quá trình thực hiện hoạt động giao dịch điện tử.

- Linh hoạt trong cách thức: Khi sử dụng chữ ký điện tử, bạn có thể thực hiện các giao dịch như: ký hợp đồng điện tử, ký cam kết qua mail, ký thanh toán bằng bút điện tử tại các quầy giao dịch,... ở bất kỳ đâu, với bất kỳ nơi nào mà họ đang sử dụng loại hình chữ ký điện tử. Nhất là ở thời đại 4.0, khi giá trị pháp lý của các hợp đồng điện tử được đảm bảo, thì chữ ký điện tử càng đóng một vai trò quan trọng hơn.

- Đơn giản hóa quy trình chứng nhận: Với chữ ký điện tử, bạn sẽ không phải mất quá nhiều thời gian cho các quy trình chuyển, gửi tài liệu hồ sơ đến đối tác, khách hàng của mình. Bạn có thể thực hiện việc ký kết, hợp tác mà không nhất thiết phải gặp mặt trực tiếp, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 lại càng hạn chế việc tiếp xúc và gặp gỡ với nhiều người.

- Hoàn tất hồ sơ nộp thuế nhanh chóng: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế theo quy định của nhà nước. Vì vậy, khi sử dụng chữ ký điện tử sẽ giúp doanh nghiệp có thể thuận tiện, nhanh chóng hơn trong việc kê khai và nộp thuế trực tuyến nói riêng và các công việc của nhân viên kế toán thuế nói chung. Khi sử dụng chữ ký điện tử để thực hiện các giao dịch điện tử, doanh nghiệp sẽ không phải in các loại tờ kê khai hay thậm chí là cần đóng dấu. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch vẫn đảm bảo được an toàn bởi các chương trình xử lý và đảm bảo quản lý dữ liệu.

- Bảo mật thông tin: Chữ ký điện tử có độ bảo mật tương đối cao, vì vậy người dùng có thể an tâm về việc bảo mật danh tính của cá nhân, doanh nghiệp khi sử dụng.

Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về nội dung chữ ký điện tử là gì? Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý không? Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.653.636 – 0986.864.314 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .