Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Con sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm sau khi chồng chết có được coi là con chung?

15:48 CH
Thứ Hai 08/01/2024
 388

1. Trẻ được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm sau khi chồng chết có được xem là con chung trong thời kỳ hôn nhân không?

Thời điểm chấm dứt hôn nhân được quy định tại Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:

“Điều 65. Thời điểm chấm dứt hôn nhân

Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.

Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.”

Như vậy, trong trường hợp người chồng mất thì quan hệ hôn nhân giữa hai người sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 10/2015/NĐ-CP có quy định như sau:

“Điều 21. Gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi

...

4. Người vợ hoặc người chồng sử dụng tinh trùng, noãn, phôi thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này làm phát sinh các quan hệ ngoài quan hệ hôn nhân gia đình thì thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự.”

Theo đó, trường hợp người vợ sử dụng tinh trùng lưu trữ của người chồng đã mất để thụ tinh nhân tạo thì quan hệ cha con của đứa trẻ sẽ được xác định dựa theo quy định của  Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Để xác định quan hệ cho con của đứa trẻ trong trường hợp này cần căn cứ vào quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể:

- Trường hợp đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chồng chết thì về nguyên tắc đứa trẻ sẽ được xem là con của người chống đã mất (con chung trong thời kì hôn nhân).

- Trường hợp đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm sau 300 ngày kể từ thời điểm người chồng chết thì sẽ không được coi là con chung trong thời kỳ hôn nhân.

Đối với trường hợp đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm đã qua thời hạn 300 ngày nếu muốn nhận cha cho con thì phải làm thủ tục xác định cha con theo quy định tại Khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

2. Trẻ được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm sau khi chồng chết có được quyền hưởng di sản thừa kế không?

Người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như đã nêu ở trên, trong trường hợp đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chồng chết thì đứa trẻ đương nhiên được xem là con trong thời kì hôn nhân của vợ chồng và được xác định là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất.

Tuy nhiên, nếu đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh ống nghiệm sau thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chồng chết mà không thực hiện thủ tục xác định cha con, thì đứa trẻ sẽ không được xem là con chung trong thời kỳ hôn nhân. Điều này đồng nghĩa với việc, trong tình huống này, đứa trẻ sẽ không đủ điều kiện để hưởng di sản thừa kế. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc thực hiện các thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ và xác định rõ ràng quan hệ gia đình trong quá trình thừa kế.

3. Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Tại Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP thì nguyên tắc hướng dẫn kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đặt ra với sự cân nhắc và đảm bảo đầy đủ quyền lợi và tự do cho mọi bên liên quan.

- Quyền lựa chọn và sự tự quyết: Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân được ưu tiên quyền lựa chọn sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng được chấp nhận đối với cặp vợ chồng vô sinh.

- Bảo mật và tôn trọng quyền riêng tư: Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ và trẻ sinh ra từ quá trình này đều được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình. Các quy định pháp luật đảm bảo sự tôn trọng và bảo vệ cho mọi bên liên quan.

- Nguyên tắc tự nguyện và tự do: Quy định rõ ràng rằng mọi thủ tục như thụ tinh trong ống nghiệm, noãn và tinh trùng đều được thực hiện dưới nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm mức độ tự do và lựa chọn tối đa cho các bên liên quan.

- Bảo mật thông tin: Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện với nguyên tắc vô danh, và thông tin về tinh trùng và phôi của người cho sẽ được mã hóa để bảo đảm bí mật, nhưng vẫn giữ nguyên đặc điểm quan trọng như yếu tố chủng tộc.

- Tuân thủ quy trình và tiêu chuẩn sức khỏe: Đảm bảo quy trình kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện một cách chặt chẽ và tuân theo các quy định đặt ra. Các tiêu chuẩn sức khỏe của những người tham gia quá trình này được quy định và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả của mọi bước trong quá trình này.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .