Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Giải quyết tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con – Bất cập và kiến nghị

11:08 SA
Thứ Hai 15/04/2024
 36

Sau khi ly hôn, nếu có căn cứ quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha hoặc mẹ là người không được Toà án giao quyền trực tiếp nuôi con hoặc cá nhân, tổ chức do pháp luật quy định có quyền yêu cầu Toà án thay đổi người trực tiếp nuôi con là người chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Mục đích của việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là nhằm đảm bảo tốt quyền lợi tốt nhất cho con. Tuy nhiên, với góc độ Toà án, việc giải quyết tranh chấp này trong thực tiễn hiện không những khó khăn nhất định.

1. Một số quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con

1.1 Về người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cha, mẹ; người thân thích của con; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Về người thân thích của con

Theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì “Người thân thích là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.”. Theo đó, người thân thích của con có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con bao gồm: Anh, chị ruột đã thành niên; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại người chưa thành niên; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột của người chưa thành niên.

Về cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em

Cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình được quy định tại Điều 3 Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về công tác gia đình như sau: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình trong phạm vi toàn quốc; Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình; Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương. Ngoài ra, theo quy định tại các khoản 11, khoản 12 Điều 8 của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và theo quy định tại các khoản 5, khoản 6 Điều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, trẻ em là các cơ quan được quy định tại các Nghị định nêu trên.

Về Hội Liên hiệp phụ nữ

Theo Điều lệ Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thông qua tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII) ngày 11 tháng 3 năm 2022 thì Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.

Về cơ cấu tổ chức, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 4 cấp: Cấp Trung ương; Cấp tỉnh (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương); Cấp huyện (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương); Cấp cơ sở (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn và tương đương).

1.2 Về căn cứ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con

Tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Hiện nay pháp luật không quy định hay hướng dẫn trường hợp nào người cha hoặc mẹ không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Cho nên nhận thức áp dụng pháp luật quy định này trong giải quyết tranh chấp về yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con tại Toà án hiện nay còn khác nhau.

- Ngoài ra, theo quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Quy định này xuất phát từ lợi ích của người con. Việc ở với người cha hay người mẹ cũng đều có những tác động đến cuộc sống của con và con khi đủ 07 tuổi thì đã có những nhận thức nhất định, ở độ tuổi từ 07 đến 18 tuổi, là giai đoạn người con đang phát triển mạnh nhất về tâm sinh lý . Vì vậy, con cần được nuôi dạy trong môi trường tốt nhất nên việc hỏi ý kiến của con từ 07 tuổi trở lên là rất cần thiết. Điều này xuất phát từ thực tế là trong một số trường hợp khi người cha, người mẹ đang không trực tiếp nuôi con lại muốn nuôi con nhưng người con đó lại không muốn. Chop nên ý kiến, nguyện vọng của người con là cơ sở quan trọng để Tòa án xem xét có cho thay đổi người trực tiếp nuôi con hay không.

 1.3 Về người được giao quyền trực tiếp nuôi con

Theo quy định tại khoản 4 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Theo quy định, người giám hộ của người chưa thành niên bao gồm người giám hộ đương nhiên hoặc người được UBND cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú cử hoặc Tòa án chỉ định theo quy định tại các điều 46, 47, 48, 52 và 54 Mục 4 Chương III BLDS năm 2015. Theo đó, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015. Cụ thể là việc xác định người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo thứ tự sau đây: Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ; Trường hợp không có người giám hộ là anh hoặc chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ; Trường hợp không có người giám hộ như hai trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Trường hợp, người được giám hộ không có người giám hộ đương nhiên thì UBND cấp xã có trách nhiệm cử người giám hộ. Việc cử người giám hộ của người chưa thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của BLDS năm 2015. Theo đó, người chưa thành niên không còn cha hoặc mẹ; người chưa thành niên có cha hoặc mẹ nhưng cha hoặc mẹ mất năng lực hành vi dân sự; cha hoặc mẹ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha hoặc mẹ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha hoặc mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ mà không có người giám hộ đương nhiên như quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015 thì UBND cấp xã nơi cư trú của người chưa thành niên có trách nhiệm cử người giám hộ cho người chưa thành niên. Việc cử người giám hộ cho người chưa thành niên phải được sự đồng ý của người chưa thành niên. Trường hợp cử người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người chưa thành niên.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, người được giám hộ được Toà án chỉ định người giám hộ. Theo quy định tại Điều 54 của BLDS năm 2015 Tòa án chỉ định người giám hộ trong các trường hợp sau: Khi có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015 về người giám hộ hoặc khi có tranh chấp về việc cử người giám hộ.

2. Thực tiễn giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con hiện nay.

Qua công tác xét xử, giải quyết tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con tại Toà án hiện nay thì có thể thấy các do đương sự nêu ra để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là khác nhau và quyết định của Toà án cũng còn khác nhau. Một số dẫn chứng như sau:

2.1 Người cha hoặc người mẹ được Toà án quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con nhưng không trực tiếp nuôi con mà nhờ người thân chăm sóc; tài sản không đảm bảo để nuôi con.

Điển hình như tại Bản án về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn số: 05/2021/HNGĐ-ST của TAND thành phố Huế, tỉnh Thừa thiên Huế. Toà án đã chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con do người cha không trực tiếp nuôi con mà giao con cho người thân nuôi. Nhận định của Toà án như sau: Mặc dù được giao trực tiếp nuôi dưỡng cháu Hoàng A nhưng anh T1 không chăm sóc, nuôi dưỡng cháu mà đều do chị T và ông bà nội của cháu chăm sóc, nuôi dưỡng; còn anh T1 thường xuyên uống rượu, không quan tâm chăm sóc, giáo dục cháu, thậm chí đã có vài lần đánh cháu Hoàng A. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tham vấn ý kiến của Hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, hỏi ý kiến của bà Nguyễn Thị H (là bà nội cháu Hoàng A) trong việc nên giao cháu Hoàng A cho ai trực tiếp nuôi dưỡng, thì Hội và bà H cùng có ý kiến nên giao cháu Hoàng A cho mẹ cháu trực tiếp nuôi dưỡng; cháu Hoàng A cũng có nguyện vọng được ở với mẹ. Vì vậy, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần, nên căn cứ Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cần chấp nhận yêu cầu của chị T thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, giao cháu Nguyễn Hoàng A cho chị T trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đến tuổi trưởng thành.

Hay như tại Bản án số: 10/2019/HNGĐ-ST ngày 06/06/2019 của TAND quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Toà án chấp nhận yêu cầu thay đổi người nuôi con do người mẹ không đủ điều kiện kinh tế nuôi con. Nhận định của Toà án như sau: Sau khi giao con chung cho bà Trần Thị M trực tiếp nuôi dưỡng được thời gian thì bà M gặp khó khăn trong vấn đề làm ăn nên đã dẫn cháu N bỏ đi nơi khác sinh sống mà không thông báo chỗ ở của con chung cho ông Trương Thành C gây khó khăn trong việc thăm nom con của ông C, ông C không liên lạc được với bà M. Đến tháng 9 năm 2018 ông C đã tìm đến nơi sống của bà M để đưa cháu N về trực tiếp nuôi dưỡng để ổn định cuộc sống cho con chung, từ khi ông C đưa cháu N về nuôi dưỡng cho đến nay bà M không có lần nào đến thăm con, bà M không có khả năng chăm sóc và nuôi dưỡng con chung. Do vậy Hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con chung của ông Trương Thành C là có cơ sở theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân gia đình Việt Nam.

2.2 Người cha hoặc người mẹ sau khi ly hôn đã tái hôn và không có điều kiện kinh tế nuôi con hoặc có thêm con nên không có đủ thời gian chăm sóc con hoặc cố tình ngăn cản việc thăm con

Chẳng hạn như tại Bản án số 878/2018/HNGĐ-PT ngày 27/9/2018 của TAND thành phố Hồ Chí Minh. Toà án chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con vì lý do người mẹ đã tái hôn và cản trở việc thăm con của người cha. Nhận định của Toà án như sau: Sau khi ly hôn thì bà H1 thay đổi nơi ở, chuyển về Quận T, Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Do vậy ông B không thể đến nhà thăm con mà thường xuyên đến trường thăm con, nhưng bà H1 nhiều lần thay đổi trường học của trẻ L mà không thông báo cho ông biết nên ông không thể thăm con được. Hiện bà H1 đã lập gia đình mới, đang nuôi hai con nhỏ (một trẻ hơn một tuổi và một trẻ vừa mới sinh); người chồng hiện nay của bà H1 là ông Đỗ Ngọc T có lời lẽ xúc phạm và hăm dọa ông B về việc nuôi dạy trẻ L. Ông B và bà H1 cả hai đều có thu nhập và nơi ở ổn định, đều có điều kiện để nuôi dạy trẻ L, nhưng hiện nay bà H1 đã lập gia đình mới và đang nuôi hai con riêng còn quá nhỏ; bên cạnh đó giữa ông B và người chồng sau của bà H1 là ông T có sự mâu thuẫn; ông B hiện chưa lập gia đình; bà H1 có hành vi ngăn cản ông B thăm nom, chăm sóc con chung là vi phạm Khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nếu tiếp tục giao trẻ L cho bà H1 nuôi là không còn phù hợp. Tạm  thời giao trẻ L cho ông B nuôi là phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện hiện tại của trẻ, nếu sau này bà H1 có chứng cứ xác thực được ông B nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ L không tốt thì bà H1 có quyền tiếp tục yêu cầu Tòa án thay đổi quyền nuôi con đối ông B. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu thay đổi quyền nuôi con của ông B đối với Bà H1 là có cơ sở.

Hay Bản án số 593/2019/HNGĐ-ST ngày 04/6/2019 của TAND huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Toà án đã chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con do người cha đã tái hôn và không thường xuyên trực tiếp nuôi con. Nhận định của Toà án như sau: Sau ly hôn cháu P do bà N trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, còn trẻ T hiện nay học lớp 9 tại Trường THCS N (Quận 12) và đang sống chung với ông bà nội tại địa chỉ 114/4A tổ 20, ấp T, xã B, huyện H, Tp.H. Phía bà N trình bày hiện nay ông Đ đã có gia đình riêng và không thường xuyên sinh sống tại địa chỉ 114/4A tổ 20, ấp T, xã B, huyện H, Tp.H. Hiện nay ông Đ không trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ T. Trẻ T là con gái trong giai đoạn trưởng thành cần sự quan tâm gần gũi chia sẻ từ phía người mẹ. Hội đồng xét xử xét thấy tại Biên bản lấy lời khai ngày 06/7/2018 cháu T trình bày hiện đang sống chung với ông bà nội tại địa chỉ 114/4A tổ 20, ấp T, xã B, huyện H, Tp.H và có nguyện vọng được sống chung với mẹ. Mặt khác. tại Phiếu yêu cầu xác minh ngày 22/5/2019 của Công an xã B thể hiện ông Đinh Tiến Đ có đăng ký thường trú tại địa chỉ 114/4A tổ 20, ấp T, xã B, huyện H, Tp.H nhưng hiện nay ông Đ không cư ngụ tại địa chỉ này. Tại địa chỉ 114/4A tổ 20, ấp T, xã B, huyện H, Tp.H hiện nay chỉ có 03 nhân khẩu thực tế cư trú gồm ông Đinh Văn V (cha của ông Đ), bà Mai Thị L (mẹ của ông Đ) và cháu Đinh Hoàng Ngân T (con của ông Đ). Do đó, xuất phát từ quyền lợi về mọi mặt của con, việc bà N yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi trẻ Ngân T là phù hợp với lợi ích của con và có cơ sở nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

2.3 Một số lý do khác như: Cha, mẹ là người trực tiếp nuôi con chết; người trực tiếp nuôi con nhưng có hành vi bạo hành con, người không trực tiếp nuôi con có điều kiện kinh tế cao hơn người đang trực tiếp nuôi con

Ví dụ như Bản án số 03/2019/HNGĐ-PT ngày 16/7/2019 của TAND tỉnh Đăk Nông nhận định anh B có hành vi bạo lực gia đình bị Công an xã Q xử phạt về hành vi này, anh B làm nghề kinh doanh dịch vụ âm thanh nên thường xuyên vắng nhà phải gửi con cho người khác, ngoài ra anh B còn cấp dưỡng nuôi con riêng. Ngược lại chị H chứng minh thu nhập làm nghề buôn bán rau ngoài chợ, hiện chị không chăm sóc, nuôi dưỡng ai, mặt khác con chung của anh chị còn nhỏ nên cần sự chăm sóc củ người mẹ nhiều hơn. Theo kết quả xác minh tại Trường mầm non HM nơi cháu M học “cháu M đi học đầy đủ, về thể chất phát triển bình thường, về nhận thức thì cháu M nhận thức chậm hơn trả cùng lứa, hay chơi một mình, ít giao tiếp, chậm hòa nhập với các bạn cùng lứa, có dấu hiệu trầm cảm”. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm giao cháu M cho chị H chăm sóc, nuôi dưỡng là phù hợp.

Hay Bản án số:08/2019/HNGĐ-PT ngày 16-7-2019 của TAND tỉnh Trà Vinh

 nhận định của Toà án như sau: Tại Đơn xin xác nhận thông tin (bút lục số 65) anh M trình bày: “Do tính chất công việc nên tôi đi làm ở thành phố Hồ Chí Minh với mức lương 13.000.000đ/tháng vào cuối tuần tôi đều về nhà với con tôi là Lê Đức Q vì tôi đang nhờ mẹ ruột tôi là bà Võ Thị S trông hộ để tôi có thời gian đi làm nên mức thu nhập trên tôi phải lo cho con tôi và mẹ tôi”… Như vậy, anh M cũng đã thừa nhận mình không có điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Lê Đức Q. Xét về điều kiện để nuôi cháu Lê Đức Q của chị Lưu Thị H: Theo Hợp đồng lao động (bút lục số 10, 11, 12) thể hiện chị H đang làm việc tại Công ty Cổ phần S có địa chỉ tại Lô A-3A-CN KCN M, thị xã B, tỉnh B với tổng mức lương 15.000.000 đồng/tháng. Về tài sản, chị H có quyền sử dụng đất diện tích 194m2 tại khu phố P1, thị trấn P2, huyện T, tỉnh P (bút lục số 08, 09). Hiện tại, chị H đã mua bảo hiểm nhân thọ cho 02 cháu Lê Minh Q và Lê Đức Q với số tiền 470.000.000 đồng.  Từ những nội dung nhận định trên, xét thấy chị H có đầy đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cả hai con tốt hơn anh M. Việc giao cháu Q cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng vừa đảm bảo điều kiện thăm nom, chăm sóc con chung của anh M vì anh M đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng tạo điều kiện để 02 cháu Lê Minh Q và Lê Đức Q được sống với nhau chung một gia đình có anh, có em như bao đứa trẻ khác. Tòa án cấp sơ thẩm, khi xét xử nhận định cháu Q được anh M nuôi dưỡng vẫn khỏe mạnh phát triển bình thường mà không xem xét, so sánh điều kiện cụ thể của các bên, từ đó xử bác yêu cầu khởi kiện của chị H là xem xét chưa toàn diện điều kiện nuôi con chung của chị H. Mặt khác, tại thời điểm xét xử sơ thẩm cháu Q chưa đủ 36 tháng tuổi, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình để quyết định giao cháu Q cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng là không đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử xét thấy kháng cáo của chị Lưu Thị H xin được trực tiếp nuôi dưỡng cháu Lê Đức Q là có căn cứ, nên chấp nhận ý kiến tranh luận của các vị Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị Lưu Thị H và ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa sửa bản án sơ thẩm, giao cháu Lê Đức Q cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng, anh Minh không phải cấp dưỡng nuôi cháu Q do chị H không yêu cầu.

3. Vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị

3.1 Vướng mắc, bất cập

Nghiên cứu quy định của pháp luật và thực tiễn công tác xét xử, giải quyết tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con tại Toà án hiện nay, tác giả thấy có một số bất cập do pháp luật chưa có quy định cụ thể.

Thứ nhất, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định một trong những căn cứ thay đổi người trực tiếp nuôi con là “Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Như vậy, trường hợp nào được xác định là người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Nếu ngoài trường hợp Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con mà còn có căn cứ khác chưa được pháp luật quy định thì Toà án có chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con hay không.

Thứ hai, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định: trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con: Người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ. Như vậy, vấn đề đặt ra là trường hợp nào, người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ có quyển yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Nếu cùng lúc các chủ thể này đều có quyển yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con thì thứ tự ưu tiên sẽ như thế nào.

 3.2 Kiến nghị, đề xuất

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực tiễn hiện nay cũng như nhằm hoàn thiện pháp luật về thay đổi người trực tiếp nuôi con, tác giả kiến nghị, đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần quy định hoặc hướng dẫn rõ trường hợp cha, mẹ không còn đủ điều kiện chăm sóc con chung là những trường hợp cụ thể nào. Trên cơ sở thực tiễn giải quyết các tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con tại Tòa án hiện nay, tác giả đề xuất các trường hợp cha mẹ không đủ điều kiện để trục tiếp nuôi con là các trường hợp: cha mẹ phạm tội bị Tòa án kết tội; cha mẹ là người nghiện  ma túy theo luật phòng chống ma túy, cha mẹ đã kết hôn với người khác mà không trực tiếp nuôi con trong một thời gian dài từ ba năm trở lên, cha mẹ có hành vi ngược đãi bạo hành đối với con hoặc để người khác ngược đãi, bạo hành đối với con làm ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của con, người con được cấp dưỡng nhưng người trực tiếp nuôi con không đủ khả năng kinh tế đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho con…

Thứ hai, cần quy định hoặc hướng dẫn rõ trường hợp nào thì người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Theo tác giả đề xuất, Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ căn cứ trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan và cơ quan có thẩm quyền là cấp huyện. Trường hợp có yếu tố nước ngoài là Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh.

Kết luận

 Thay đổi người trực tiếp nuôi con là quyền cũng như là trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền do pháp luật quy định nhằm đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con một cách tốt nhất. Tuy nhiên, các quy định hiện nay về thay đổi người trực tiếp nuôi con chưa được quy định cụ thể. Từ đó làm cho việc giải quyết tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con tại Toà án còn gặp khó khăn, trở ngại. Từ đó, nhận thức và áp dụng pháp luật tại Toà án còn khác nhau. Vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề thay đổi người trực tiếp nuôi con có ý nghĩa thiết thực về mặt lý luận và thực tiễn.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .