Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

TRANH CHẤP VỀ TÀI SẢN CHUNG CỦA DÒNG HỌ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

14:07 CH
Thứ Ba 02/01/2024
 126

Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội nhất là bối cảnh kinh tế có nhiều chuyển biến thì thị trường bất động sản cũng có nhiều biến động, giá trị bất động sản tăng cao từ đó làm xuất hiện các tranh chấp về tài sản chung của dòng họ. Bên cạnh đó, những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung của dòng họ cũng là đối tượng của tranh chấp về tài sản chung của dòng họ. Vậy tài sản chung trong dòng họ là gì? Trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp về tài sản chung của dòng họ như thế nào? Hãy cùng Sao Sáng tìm hiểu những vấn đề nêu trên nhé.

I. Tài sản chung của dòng họ là gì?

Tại khoản 1, 2 của Điều 211 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Sở hữu chung của cộng đồng như sau:

“1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu chung của dòng họ, thôn, ấp, bản. làng, buôn…

2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng…”.

Như vậy, tài sản chung của dòng họ là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng và các thành viên trong dòng họ cùng nhau quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung vì lợi ích chung của dòng họ nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Tài sản chung của dòng họ là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không chia được.

Ví dụ: Quyền sử dụng đất, từ đường, nhà thờ họ, đồ vật dùng vào việc thờ cúng, tài sản khác được hình thành theo tập quán hoặc những động sản, bất động sản khác do các thành viên của dòng họ đóng góp, quyên góp nhằm mục đích phục vụ cho các thành viên dòng họ…

II. Tranh chấp tài sản chung của dòng họ thường gặp là gì?

Thứ nhất tranh chấp về tài sản chung của dòng họ phổ biến có thể kể đến đó là tranh chấp về nhà thờ họ. Từ xa xưa các dòng họ tại Việt Nam thường dành một quỹ đất để xây dựng nhà thờ họ làm nơi cúng tế của cả dòng họ. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất làm nhà thờ họ thường sẽ giao cho người trưởng họ quản lý, sử dụng như một tập quán mà nhiều nơi vai trò trưởng họ được cha truyền con nối qua nhiều đời trong gia đình người trưởng họ. Bằng cách đó mà quyền sử dụng đất làm nhà thờ họ vốn thuộc về dòng họ lại dần trở thành tài sản của các cá nhân của người trưởng họ. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp giữa thành viên trong dòng họ và người trưởng họ về quyền sử đất của dụng nhà thờ họ.

Thứ hai tranh chấp thường gặp khác về tài sản chung của họ đó chính là tranh chấp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung của dòng họ. Thông thường các hoa lợi, lợi tức trên sẽ dùng vào việc tu bổ, sửa chữa các tài sản chung dòng họ, nhưng khi có quá nhiều hoa lợi, lợi tức thì dễ dẫn đến những tranh chấp về quyền sử dụng.

III. Tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được giải quyết như thế nào?

Trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dòng họ, các thành viên trong dòng họ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp tài sản chung theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Khi xảy ra tranh chấp giữa các thành viên trong dòng họ, các bên nên ưu tiên lựa chọn hướng giải quyết thương lượng, hòa giải để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí, giữ được tình cảm thân thích trong dòng họ.

Trường hợp các bên không thể hòa giải với nhau được thì sẽ tiến hành giải quyết theo thủ tục khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Theo đó, thủ tục khởi kiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện: 

Hồ sơ khởi kiện bao gồm: 

– Đơn khởi kiện đảm bảo có đầy đủ các nội dung cơ bản sau:

+ Thời gian làm đơn khởi kiện: ngày, tháng, năm.

+ Thông tin nơi Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện.

+ Thông tin của người làm đơn: gồm họ và tên; ngày tháng năm sinh; địa chỉ liên lạc;…

+ Thông tin của bị đơn gồm: tên công ty, trụ sở công ty, mã số thuế/mã số doanh nghiệp,…

+ Trình bày yêu cầu của mình.

+ Đính kèm đơn là giấy tờ, tài liệu có giá trị chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình.

– Giấy tờ tùy thân (gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân) của người khởi kiện. 

– Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có). 

– Biên bản hòa giải không thành (nếu có). 

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện: 

Sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ khởi kiện trên thì thành viên trong dòng họ gửi đơn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Hình thức nộp đơn khởi kiện: nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.

Bước 3: Tòa án thụ lý vụ án: 

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tranh chấp về tài sản chung của dòng họ có thể vẫn còn là vấn đề mới mẻ đối với nhiều người. Tranh chấp tài sản chung của dòng họ không chỉ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của dòng họ mà còn ảnh hưởng đến các cá nhân có liên quan. Vì thế, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như tránh gặp phải những tranh chấp không đáng có, hãy để đội ngũ của Sao Sáng giúp bạn tư vấn và hỗ trợ pháp lý các vấn đề xoay quanh việc tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn, xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

 

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .