Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Tự tử liệu có phải là giải pháp để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ?

10:55 SA
Thứ Bảy 09/10/2021
 1895

Theo quy định của pháp luật, giao dịch được tạo lập trên cơ sở thoả thuận của hai bên. Tuy nhiên lại có rất nhiều vấn đề phát sinh mà hai bên không thể lường trước được. Hiện nay có nhiều người vay số tiền lớn, không có khả năng chi trả nên đã tìm đến cách tự kết thúc cuộc đời mình để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của mình. Vậy ở đây, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trả nợ?

Hợp đồng vay tài sản là gì?

Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng; chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.”

Có thể hiểu, bên vay tiền phải hoàn trả số tiền đã vay theo thỏa thuận cho người cho vay tiền. Nếu có thỏa thuận về lãi hoặc chậm trả thì trả cả tiền lãi.

Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn.

- Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất tối đa là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

+ Trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất tối đa không quá 10%/năm của số tiền chậm trả.

Trường hợp người vay tiền chết

Theo khoản 3 Điều 422, Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng dân sự chấm dứt khi: “Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện”.

Như vậy theo quy định trên thì hợp đồng vay sẽ chấm dứt khi người vay tiền chết.

Vậy người cho vay có đòi nợ được khi người vay tiền chết không?

Ở đây sẽ có 02 trường hợp:

1. Trường hợp nếu như người vay tiền không còn di sản để lại thì số tiền cho vay sẽ không đòi lại được

2. Trường hợp nếu như người vay tiền có để lại di sản thì phần di sản được thừa kế theo di chúc (nếu có để lại di chúc) hoặc thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế của người vay tiền sẽ thực hiện nghĩa vụ tài sản do người vay tiền để lại theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể như sau:

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

Bên cạnh đó, người thừa kế không được quyền từ chối nhận di sản trong trường hợp việc từ chối nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác quy định tại khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015.

Trường hợp người thừa kế không thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

Khi người vay tiền chết, người cho vay có quyền yêu cầu người thừa kế của người vay tiền trả nợ cho mình. Nếu người thừa kế cố ý không trả; thì người cho vay có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người thừa kế cư trú. Và bên cho vay phải có đầy đủ các giấy tờ chứng minh về việc vay tiền giữa hai bên.

Tuy nhiên, cần xem xét đến thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định tại khoản 3 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng được quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Như vậy, khi người vay tiền chết, người cho vay có quyền yêu cầu những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại. Trường hợp những người thừa kế không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu những người này thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả.

Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .