Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

10:50 SA
Thứ Bảy 31/07/2021
 921

Quy trình xử phạt vi phạm hành chính

Hai trường hợp xử phạt vi phạm hành chính:

* Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra người có thẩm quyền đang thi hành công vụ buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính (1) → ra quyết định xử phạt (2) → thi hành quyết định xử phạt (3).

* Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bảnkhi phát hiện hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra người có thẩm quyền đang thi hành công vụ buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính (1) → lập biên bản vi phạm hành chính (2) → tiến hành xác minh tình tiết vụ việc vi phạm (3) → xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt (4) → Giải trình (5):

→ chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm (6.1).

→ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (6.2) → gửi, chuyển, công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính (7) → thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (8) → cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (9).

 

   1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

(1) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật (Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

(2) Biểu mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản:  Mẫu quyết định số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Có file đính kèm).

Lưu ý: Nếu trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

(3) Cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt (Điều 69 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

2. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản

(1) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật (Điều 55 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

 (2) Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản (Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

- Mẫu biên bản: thực hiện theo mẫu biên bản số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ 

- Sau khi lập xong biên bản thì giao 01 bản cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

(3) Trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết vụ việc vi phạm hành chính (Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

(4) Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật. Thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ (Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

(5) Giải trình chỉ áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức. Có hai hình thức giải trình đó là giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

- Giải trình bằng văn bản, trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm không quá 05 ngày theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm.

- Giải trình trực tiếp, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm và tổ chức phiên giải trình trực tiếp. Việc giải trình trực tiếp được lập thành biên bản và phải có chữ ký của các bên liên quan.

(6.1) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm (Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

(6.2) Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp xin gia hạn, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày. Nếu quá thời hạn người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định có quy định ngày có hiệu lực khác (Điều 67, 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

+ Mẫu quyết định số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (Có file đính kèm).

(7) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành (Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

- Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa bàn cấp tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định xử phạt được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến UBND cấp huyện để tổ chức thi hành. Trong trường hợp vi phạm hành chính xảy ra ở địa bàn cấp huyện này nhưng cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở ở địa bàn cấp huyện khác và thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo, vùng xa xôi, hẻo lánh mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức vi phạm không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định xử phạt được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành (Điều 71 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính về việc xử phạt (Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

            (8) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó (Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

            (9) trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

            + Thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được quy định tại Khoản 1, Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính,  người có thẩm quyền cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền.

+ Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .