Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CÓ ĐƯỢC KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI PHỤ NỮ ĐANG MANG THAI KHÔNG?

13:39 CH
Thứ Ba 23/01/2024
 127

Quyền lợi của người lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ mang thai luôn là vấn đề pháp lý được quan tâm hàng đầu. Đây là đối tượng đặc biệt bởi lao động nữ đang mang thai luôn gặp phải những vấn đề về sức khoẻ thể chất và tinh thần. Như vậy, có quy định nào cấm các cơ quan, doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với phụ nữ đang mang thai không?

1. Có được ký hợp đồng lao động với phụ nữ đang mang thai không?

Hiện nay, không có quy định nào cấm người sử dụng lao động ký kết và xác lập hợp đồng lao động với lao động nữ đang mang thai. Căn cứ vào khoản 1 Điều 7 Bộ luật lao động 2019 thì quan hệ lao động được xác lập thông qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận dựa trên nguyên tắc “tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau”.

Pháp luật còn ghi nhận người sử dụng lao động có quyền: “Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động” theo điểm a, khoản 1 Điều 6 Bộ luật lao động.

2. Quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ thai sản

Các bên ký kết hợp đồng lao động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng nhưng phải đảm bảo lợi ích của lao động nữ có thai. Doanh nghiệp phải bảo đảm để lao động nữ mang thai được hưởng các chế độ nghỉ thai sản, hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội và các quy định về bảo vệ thai sản quy định tại Điều 137 Bộ luật Lao động 2019

“Điều 137. Bảo vệ thai sản

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của lao động nữ mang thai, thực hiện các biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ, nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng những ý kiến tư vấn này sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn, xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .