Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

HIẾP DÂM SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT?

15:07 CH
Thứ Sáu 01/04/2022
 519

Trong những năm qua, tình hình tội phạm hiếp dâm xảy ra ngày càng nhiều với tính chất tinh vi, coi thường pháp luật. Điển hình như vụ án cô sinh viên trẻ bị hiếp dâm tại phòng trọ, Bé gái 15 tuổi bị nam thanh niên khống chế, hiếp dâm tại dãy trọ; Thầy giáo dâm ô 7 nữ sinh ở Hà Nội; Cô gái say khướt bị “yêu râu xanh” đưa vào nhà nghỉ cưỡng hiếp; người cha hiếp dâm con gái 10 tuổi; Xin “quan hệ” không được, nam thanh niên sát hại bé gái 13 tuổi ở Nghệ an; Trưởng khoa trường đại học và chủ tịch bệnh viện tư có tiếng tại Hà Nội bị tố hiếp dâm và khống chế cô gái trẻ làm nô lệ tình dục suốt thời gian dài....

Kẻ thực hiện hành vi hiếp dâm không chỉ dừng lại đấy mà sau đó thâm chí còn có thể cướp của, giết người ghê rợn, …. Điều này không chỉ để lại tâm lý hoang mang, lo sợ trong lòng dư luận, mà còn là hồi chuông báo động để mọi người không nên chủ quan, thờ ơ, dè chừng với loại tội phạm này. Thực tế có nhiều nạn nhân vì lo sợ, e ngại mà không dám lên tiếng để bảo vệ mình. Cũng có nhiêu nạn nhân hay nhiều người xung quanh ta vì thiếu hiểu biết mà không biết phải bảo vệ mình như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ quy định về xử lý về tội hiếp dâm và cách thức tố cáo tội hiếp dâm.

Hiếp dâm là gì?

Tại Khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân” Theo đó, hiếp dâm là tội phạm cấu thành hình thức (chỉ cần có dấu hiệu về mặt hình thức), cụ thể dấu hiệu cấu thành tội hiếp dâm như sau:

+ Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội hiếp dâm được thể hiện qua một trong các hành vi dấu hiệu sau đây:

  • Có hành vi dùng vũ lực: Là dùng sức mạnh về thể chất như vật ngã, đè, giữ tay, chân, bịt miệng, bóp cổ, … của nạn nhân nhằm làm mất hoặc hạn chế khả năng phòng vệ, tự vệ, chống trả của nạn nhân.
  • Đe dọa dùng vũ lực:  Là dùng lời nói, cử chỉ, động tác nhưng chưa tác động vào người nạn nhân, nhưng làm cho nạn nhân hiểu rằng nếu kẻ tấn công không giao cấu được thì sẽ sử dụng vũ lực ngay tức khắc.
  • Có hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu với lại nhân trái ý muốn của họ trường hợp như nạn nhân đi một mình trong đêm vắng, đi một mình trong rừng, ...
  • Có hành vi dùng thủ đoạn khác để giao cấu với nạn nhân. Được hiểu là các thủ đoạn ngoài các hành vi nêu trên của chính người phạm tội thực hiện làm cho nạn nhân không biết hoặc rơi vào tình trạng không có khả năng nhận thức tạm thời như cho bệnh nhân uống thuốc mê, thuốc kích dục, cho uống rượu say… để giao cấu với nạn nhân mà không được sự đồng ý của họ.
  • Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm có các hành động nhằm giao cấu mà không cần phải có căn cứ là đã giao cấu được hay chưa.
  • Nếu người phạm tội mới thực hiện hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng bạo lực hoặc sử dụng các thủ đoạn khác để giao cấu trái ý muốn của nạn nhân, nhưng chưa kịp giao cấu vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội như đã bị ngăn chặn thì phạm tội chưa đạt và họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.
  • Nếu người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm thì họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm, nhưng có thể bị truy cứu về các tội khác (nếu có đủ các yếu tố cấu thành) như: Làm nhục người khác, cố ý gây thương tích, ...

 + Mặt khách thể:

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của nạn nhân, ngoài ra còn có thể xâm phạm đến sức khỏe gồm sức khỏe về thể chất và sức khỏe về tinh thần hoặc gián tiếp xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân (làm nạn nhân chết hoặc tự sát).

+ Mặt chủ quan:

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

+ Mặt chủ thể:

  • Người trực tiếp thực hiện tội phạm có thể là nam giới hoặc nữ giới;
  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Xử lý hình sự tội hiếp dâm như thế nào?

Theo quy định tại Điều 41 Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017:

"Điều 141. Tội hiếp dâm

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

c) Nhiều người hiếp một người;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Có tính chất loạn luân;

g) Làm nạn nhân có thai;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tùy từng tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà người phạm tội hiếp dâm bị xử lý theo mức hình phạt khác nhau, có thể bị phạt nặng nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tố giác hành vi hiếp dâm như thế nào?

Cách viết đơn tố giác hành vi hiếp dâm

Đơn tố giác thể hiện quyền của công dân trong việc tố giác hành vi vi phạm pháp luật của người khác xâm phạm trực tiếp quyền lợi hợp pháp, sức khỏe, danh dự của mình hoặc của cộng đồng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề. Trong đơn tố giác cần có nội dung chính gồm:

  • Tên cơ quan nhận đơn;
  • Họ, tên, địa chỉ của người tố giác;
  • Họ, tên, địa chỉ của người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại (nếu có);
  • Họ, tên, địa chỉ của người bị tố giác;
  • Họ, tên, địa chỉ của người có quyền và nghĩa vụ liên quan;

Nêu rõ hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố giác; những vấn đề cụ thể yêu cầu cơ quan tiếp nhận Đơn tố giác giải quyết và các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc tố giác của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tố cáo hành vi hiếp dâm

Khoản 4 Điều 163 BLTTHS 2015 quy định về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự như sau:

“4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.”

Mặt khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 146 công an phường, thi trấn, đồn công an có thẩm quyền tiếp nhận tin báo về tội phạm. Tuy nhiên, để việc tố giác của bạn không bị mất thời gian bạn có thể tố giác đến cơ quan điều tra nơi tội phạm xảy ra, nếu không xác định được rõ nơi xảy ra hành vi hiếp dâm thì bạn có thể tố giác ở cơ quan điều tra nơi người đó cư trú.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .