Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Giai đoạn phạm tội chưa đạt trong Bộ luật hình sự Việt Nam

14:46 CH
Thứ Sáu 20/08/2021
 3945

Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 quy định:

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Căn cứ quy định trên có thể rút ra các dấu hiệu xác định trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:

Dấu hiệu thứ nhất:

Trong trường hợp phạm tội chưa đạt, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm, thể hiện ở việc người phạm tội đã thực hiện những hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm được quy định tại điều luật cụ thể của Bộ luật hình sự. Đây là dấu hiệu phân biệt giữa giai đoạn phạm tội chưa đạt với giai đoạn chuẩn bị phạm tội:

Ví dụ, đã thực hiện các hành vi đâm, chém, bắn… trong các vụ án về tội giết người; hoặc đã thực hiện được những hành vi đi liền trước hành vi khách quan đó như là vung dao chém, giương súng bắn nhưng chưa kịp chém, chưa kịp bắn thì bị người khác ngăn lại.

Dấu hiệu thứ hai:

Trong phạm tội chưa đạt, người phạm tội không thực hiện được tội phạm đến cùng. Thuật ngữ “không thực hiện được đến cùng” ở đây không có nghĩa là không thực hiện được kết quả cuối cùng mà người phạm tội đã đặt ra mà phải được hiểu là hành vi phạm tội mà người phạm tội thực hiện đã không thỏa mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm cụ thể được quy định tại điều luật Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.

Ví dụ, người phạm tội giết người mong muốn giết chết nạn nhân nhưng mới chỉ gây thương tích; người phạm tội trộm cắp tài sản mong muốn chiếm đoạt được tài sản nhưng đang bê tài sản, chưa ra được khỏi nhà đã bị chủ nhà phát hiện và bắt giữ….

Dấu hiệu của trường hợp phạm tội chưa đạt “chưa thực hiện được đến cùng” tội phạm là dấu hiệu giúp phân biệt giữa trường hợp phạm tội chưa đạt với trường hợp tội phạm hoàn thành.

Đối với các tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất, nghĩa là có dấu hiệu hậu quả trong mặt khách quan của tội phạm thì “không thực hiện được đến cùng” tội phạm có nghĩa là hành vi phạm tội chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội như dấu hiệu hậu quả được quy định trong cấu thành tội phạm đó. Ví dụ, muốn giết nạn nhân nhưng chưa tác động được vào cơ thể nạn nhân (chém trượt) hoặc mới gây thương tích cho nạn nhân. Trong trường hợp này, mặc dù hành vi đã gây thương tích là đã gây ra một thiệt hại nguy hiểm, xâm phạm sức khỏe của nạn nhân nhưng thiệt hại đó không phải là hậu quả, dấu hiệu của tội giết người. Dấu hiệu hậu quả trong tội giết người phải là “gây chết người”.

Đối với các tội có cấu thành hình thức, nghĩa là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu hành vi, không có dấu hiệu hậu quả trong mặt khách quan của tội phạm, thì hành vi “không thực hiện được đến cùng” tội phạm được hiểu là hành vi đã thực hiện của người phạm tội chưa thỏa mãn hết dấu hiệu hành vi trong mặt khách quan của tội phạm đó.

Ví dụ, để thực hiện việc hiếp dâm, người phạm tội đã dùng vũ lực vật ngã nạn nhân nhưng chưa kịp giao cấu thì bị bắt giữ. Trong trường hợp này, hành vi phạm tội chưa thỏa mãn hết dấu hiệu hành vi hiếp dâm được mô tả tại khoản 1 Điều 141 BLHS 2015, trong đó quy định hành vi khách quan của tội hiếp dâm là “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của nạn nhân”, nghĩa là hành vi thực tế mà người phạm tội thực hiện chưa thỏa mãn hết dấu hiệu “giao cấu” trong hành vi khách quan được quy định tại điều khoản cụ thể của BLHS.

Dấu hiệu thứ ba:

Trong trường hợp phạm tội chưa đạt, người phạm tội không thực hiện được đến cùng tội phạm là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Khi đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội mong muốn thực hiện được đến cùng hành vi phạm tội của mình.

Ví dụ, mong muốn giết chết nạn nhân trong trường hợp có ý định giết người; mong muốn chiếm đoạt được tài sản trong trường hợp trộm cắp tài sản; mong muốn thực hiện được hành vi giao cấu trong trường hợp hiếp dâm…. Tuy nhiên, không phải bao giờ người phạm tội cũng thực hiện được hết ý định phạm tội của mình. Việc không thực hiện được đến cùng tội phạm của người phạm tội có thể do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó, như do nạn nhân tránh được, chống cự lại được; do người khác can thiệp, bảo vệ nạn nhân; do sai lầm của người phạm tội trong việc đánh giá đối tượng tác động, công cụ, phương tiện, phương pháp thủ đoạn thực hiện tội phạm nên hành vi không gây ra được kết quả như người đó mong muốn…

  • Các loại tội phạm chưa đạt

Căn cứ vào các tiêu chí khác nhau, các trường hợp phạm tội chưa đạt được phân thành các loại khác nhau. 

  • Căn cứ vào mục đích thực hiện của hành vi phạm tội gồm: Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt hoàn thành.

  • Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt, trong đó người phạm tội chưa thể thực hiện được hết những hành vi mà người đó cho là cần thiết để hoàn thành tội phạm do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó. Ví dụ, muốn giết người, người phạm tội mới chém gây thương tích nạn nhân, định chém tiếp thì bị bắt giữ. Trong trường hợp này, người phạm tội biết rõ hành vi của mình chưa đủ để gây ra cái chết của nạn nhân.

  • Phạm tội chưa đạt hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt, trong đó người phạm tội cho rằng đã thực hiện được hết hành vi mà người đó cho là cần thiết để hoàn thành tội phạm nhưng tội phạm chưa hoàn thành được là do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó. Ví dụ, để thực hiện ý định giết người, người phạm tội đã chém nhiều nhát vào người nạn nhân. Cho rằng nạn nhân không chết do được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời.

  • Căn cứ vào nguyên nhân khách quan đặc biệt ngoài ý muốn của người phạm tội dẫn đến việc chưa đạt, phạm tội chưa đạt được phân thành phạm tội chưa đạt vô hiệu để phân biệt với các trường hợp phạm tội chưa đạt thông thường khác.

Phạm tội chưa đạt vô hiệu là trường hợp phạm tội chưa đạt, trong đó do sai lầm trong việc đánh giá về đối tượng tác động, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm của người phạm tội nên tội phạm không thực hiện được đến cùng (tội phạm không hoàn thành được). Có thể xảy ra các trường hợp sau:

Một là, người phạm tội sai lầm trong việc đánh giá đối tượng tác động nên hoặc là không có đối tượng tác động (phá két đựng tiền của cơ quan nhưng tiền đã được chuyển đi nơi khác) hoặc đối tượng không có những đặc tính người phạm tội tưởng là có. Vid dụ: nổ súng vào một xác chết, tưởng là người đang ngủ; đưa hối lộ nhầm cho người không có chức vụ, quyền hạn,...)

Hai là, người phạm tội đánh giá sai lầm về tính năng, tác dụng của những công cụ, phương tiện mà mình sử dụng, cho rằng công cụ, phương tiện mà mình sử dụng sẽ đạt được kết quả nào đó nhưng không đạt được kết quả đó. Ví dụ: bắn, ném lựu đạn để thực hiện ý định giết người nhưng đạn, lựu đạn không nổ; đầu độc người khác bằng thứ bột vô hại nhưng lại tưởng là thuốc độc….

Về nguyên tắc, người thực hiện hành vi phạm tội chưa đạt vô hiệu vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .