Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

TỘI GIẢ MẠO CHỮ KÝ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

15:08 CH
Thứ Năm 10/08/2023
 200

Hiện nay, tình trạng giả mạo chữ ký khi thực hiện các giao dịch hay làm các thủ tục, giấy tờ pháp lý ngày càng nhiều. Mạo danh chữ ký gây ảnh hưởng đến uy tín, trách nhiệm, trật tự quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tùy theo mức độ phạm tội, tội giả mạo chữ ký của người khác có thể bị xử phạt hành chính hay bị xử lý hình sự.

1. Chữ ký là gì ? Hành vi giả mạo chữ ký người khác?

Chữ ký được hiểu là ký hiệu của cá nhân được thể hiện trên các văn bản, giấy tờ để minh chứng cho sự chấp thuận, sự hiện diện của người đó đối với nội dung của văn bản, giấy tờ đó.

Do bản chất của chữ ký mang yếu tố cá nhân do chính người đó sáng tạo ra thể hiện dấu ấn của họ nên việc một chữ ký của một người bị trùng lặp là điều khó có thể xảy ra.

Giả mạo chữ ký của người khác được hiểu là hành vi sao chép, bắt chước lại chữ ký của người khác nhằm mục đích vụ lợi trái pháp luật.

2. Xử phạt hành chính hành vi giả mạo chữ ký

Một số trường hợp giả mạo chữ ký phổ biến bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

  • Giả mạo chữ ký trong hoạt động công chứng, chứng thực:

Theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:

+ Phạt tiền từ 25 - 35 triệu đồng trong trường hợp giả mạo chũ ký của công chứng viên (điểm b khoản 6 Điều 15);

+ Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng trong trường hợp giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực (điểm a khoản 2 Điều 34).

  • Giả mạo chữ ký trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải toả kê biên tài sản để thi hành án dân sự.

  • Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm. Đồng thời, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

  • Giả mạo chữ ký trong lĩnh vực kiểm toán:

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng với trường hợp chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký.

Giả mạo chữ ký bị xử lý ra sao?
 

3. Xử lý hình sự hành vi làm giả chữ ký người khác

Khi hành vi giả mạo chữ ký người khác có thể gây nguy hiểm và đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo các tội danh sau:

  • Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017)

Hành vi giả mạo chữ ký người khác sẽ cấu thành tội phạm khi người phạm tội thực hiện hành vi gian dối giả mạo chữ ký tên các loại giấy tờ, hợp đồng…làm cho người khác tin rằng đó là thông tin đúng sự thật và tự nguyện giao tài sản của họ.

Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

  • Tội giả mạo trong công tác (Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017)

Hành vi giả mạo chữ ký sẽ cấu thành Tội giả mạo trong công tác khi người phạm tội vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn.

Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; còn khung hình phạt cao nhất là phạt từ từ 12 năm đến 20 năm.

4. Khi nào giả mạo chữ ký người khác cấu thành tội phạm

  • Khách thể tội giả mạo chữ ký

Hành vi mạo danh chữ ký của người khác xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hành vi này tác động đến các dạng tài liệu là giấy tờ, văn bản điện tử… của cá nhân, cơ quan, tổ chức tư nhân và nhà nước

  • Mặt khách quan

Người phạm tội có hành vi giả mạo, bắt chước chữ ký, ký hiệu của người khác trên các loại giấy tờ, văn bản điện tử…

Hành vi này dẫn đến sự sai lệch thông tin, giá trị hiệu lực của các tài liệu, văn bản gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý của các tổ chức, cơ quan, cá nhân.

So với mức xử phạt khi vi phạm hành chính, hành vi giả mạo chữ ký của người khác sẽ cấu thành tội phạm khi hành vi người phạm tội gây tác động xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công tác quản lý.

Hành vi giả mạo chữ ký trong các loại giấy tờ mà người phạm tội hoàn toàn biết rõ không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin tưởng vào nội dung đó và tự nguyện giao tài sản, trị giá tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hay gây ảnh hưởng xấu trật tự xã hội. Hành vi làm giả chữ ký này sẽ cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Hành vi làm giả chữ ký các giấy tờ tài liệu được sao chép như thật của cơ quan nhà nước nhằm để cho chính mình hay người khác thực hiện phạm tội trái pháp luật. Hành vi này làm giả chữ ký này sẽ cấu thành Tội làm giả, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người khác, người có thẩm quyền giả mạo chữ ký trong các loại giấy tờ, tài liệu, người thực hiện hành vi là người có chức vụ và phạm tội khi đang làm nhiệm vụ. Hành vi giả mạo chữ ký trong trường hợp này cấu thành Tội giả mạo trong công tác (Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

  • Chủ thể của tội phạm

Người thực hiện hành vi mạo danh chữ ký người khác là chủ thể thường, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Một số trường hợp người thực hiện là chủ thể đặc biệt, ngoài dấu hiệu có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì còn dấu hiệu là người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức, cơ quan nhà nước và đã thực hiện hành vi phạm tội trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

  • Mặt chủ quan

Hành vi giả mạo chữ ký của người khác là hành vi cố ý trực tiếp theo khoản 1 Điều 10 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người phạm tội hoàn toàn biết được hành vi của mình là trái pháp luật, nhưng vẫn cố ý thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra.

Mục đích người phạm tội thực hiện hành vi nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .