Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

VAY LÃI 2 NGHÌN, 3 NGHÌN/ TRIỆU ĐỒNG/ NGÀY CÓ PHẢI CHO VAY NẶNG LÃI KHÔNG? MỨC PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI CHO VAY NẶNG LÃI.

15:24 CH
Thứ Hai 27/11/2023
 654

Hiện nay, vay lãi ngày là một trong số những cụm từ phổ biến thường gặp trong cuộc sống. Đầy rẫy trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo,… là quảng cáo cho vay lãi ngày nhanh, lãi suất thấp với tiêu đề vay lãi 2 nghìn/triệu đồng/ngày, 3 nghìn/triệu đồng/ngày,... Vậy mức lãi suất cho vay như trên có phải hành vi cho vay nặng lãi không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?..v..v. Tất cả sẽ được Luật Sao Sáng giải đáp cho quý độc giả qua bài viết sau đây!

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015);
  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015);
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
  • Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP.

I. Thế nào là vay lãi ngày? Cho vay lãi 2 nghìn, 3 nghìn/triệu đồng/ngày có phải cho vay nặng lãi không?

1. Vay lãi ngày là gì?

     Thông thường, cách thức về quảng cáo vay lãi ngày sẽ là các quảng cáo sẽ là vay lãi 2 nghìn/triệu đồng/ngày, 3 nghìn/triệu đồng/ngày,... Việc tính lãi được tính theo ngày, số tiền vay thấp và thời hạn vay cũng không dài. Thủ tục vay trong những trường hợp này cũng chỉ đơn giản là việc đưa Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc bằng lái xe, thẻ sinh viên,… tại chỗ cho vay là được đảm bảo để vay. Số tiền vay dao động ở hạn mức dưới 50 triệu đồng.

     Vậy, có thể hiểu rằng vay lãi ngày là hình thức cho vay tính lãi suất theo ngày.

2. Cho vay nặng lãi là gì?

     Cho vay nặng lãi là cụm từ phổ biến để chỉ những trường hợp cho vay với lãi suất cao, còn theo quy định tại BLHS 2015 và Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, cho vay nặng lãi gọi là “cho vay lãi nặng”.

     Cụ thể, theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 201 BLHS 2015 và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành: “Cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.”.

     Tiếp đó, Điều 468 BLDS 2015 quy định lãi suất vay như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

     Như vậy, hiện nay lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, tức người cho vay tiền chỉ được lấy lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng là: 20% : 12 tháng = 1,667%/tháng. Khi đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất thì có thể bị điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cho vay nặng lãi hay còn gọi là cho vay lãi nặng.

3. Cho vay lãi 2 nghìn, 3 nghìn/triệu đồng/ngày có phải cho vay nặng lãi không?

  • Trường hợp vay lãi ngày 2 nghìn/triệu đồng/ngày: Cho vay 2 nghìn đồng /triệu /ngày tức là 60 nghìn/triệu/tháng. Tức là lãi suất vay là 6%/tháng, vượt quá lãi suất tối đa mà nhà nước cho phép là 5,3 lần.
  • Trường hợp vay lãi ngày 3 nghìn/triệu đồng/ngày: Với lãi suất 3 nghìn/triệu đồng/ngày tính ra sẽ là 90 nghìn đồng/triệu/tháng vậy lãi suất sẽ là 9%/tháng. Mức lãi suất đã vượt quá lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép các bên thỏa thuận.

     Căn cứ những điều luật về cho vay nặng lãi, lãi suất cao nhất mà các bên có thể thoả thuận nêu tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 là 20%/năm và bị kết luận là cho vay lãi nặng nếu các bên thoả thuận mức lãi suất cao hơn 100%/năm hoặc 0,27%/ngày. Do đó, nếu vay lãi ngày với lãi suất vượt quá 0,27%/ngày thì bị xem là cho vay nặng lãi.

II. Mức phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi.

1. Xử phạt hành chính

     Tại điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

Điều 12: Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự

...

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự;…”

     Theo đó, trường hợp này chỉ là người cho vay với mức lãi suất quá 20%/năm tương đương với việc cho vay quá 0,27%/ngày thì người cho vay đã có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt như trên.

2. Trách nhiệm hình sự

     Người cho vay nặng lãi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 BLHS 2015 quy định như sau:

- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

     Không phải trường hợp nào cho vay nặng lãi nào cũng bị cấu thành tội cho vay nặng lãi. Theo quy định của Điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:

     Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 05 lần trở lên. Tức là: lãi suất cho vay quy định không quá 1,667%/tháng, vậy nếu cho vay quá 5 lần 1,667 %/tháng = 8,335%/tháng và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự rồi.

     Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

     Theo đó, trường hợp cho vay lãi ngày 2 nghìn/triệu/ngày sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính còn hành vi cho vay lãi ngày 3 nghìn/triệu/ngày mà thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội cho vay nặng lãi, khung hình phạt cao nhất đối với tội cho vay nặng lãi là bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua hotline: 0936.65.36.36 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .