ĐỂ RÁC SANG NHÀ HÀNG XÓM CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?
Hiện nay, ở các khu dân cư, tình trạng người dân vứt, đổ rác thải không đúng nơi quy định không phải điều hiếm gặp. Thậm chí có những trường hợp do vô ý hoặc do xích mích cá nhân, hay vì sự thuận tiện mà cố tình để rác sang nhà hàng xóm. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh chung mà còn khiến nhiều gia đình vô cùng bức xúc. Vậy liệu hành vi này có vi phạm pháp luật không và mức xử phạt ra sao? Hãy cùng Luật Sao Sáng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Để rác sang nhà hàng xóm có vi phạm pháp luật không?
Tại điểm a, khoản 1, điều 60 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:
“Điều 60. Bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân
1. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm sau đây:
a) Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định;”
Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thu gom và rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi tập kết được quy định. Như vậy, hành vi để rác thải sang nhà người khác là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
2. Mức phạt đối với hành vi để rác sang nhà hàng xóm ra sao?
Tại điểm e, khoản 4 điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e) Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu;
[….]
14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, điểm l khoản 2 và điểm e khoản 4 Điều này;”
Theo đó, hành vi vứt rác sang nhà hàng xóm là hành vi đổ chất thải, chất bẩn vào nhà ở, nơi ở của người khác được coi là hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Mức phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người thực hiện hành vi khôi phục lại tình trạng ban đầu.
3. Phát hiện hàng xóm có hành vi vứt rác sang nhà mình, người dân nên làm gì?
Nếu phát hiện hàng xóm có hành vi vứt, để rác sang nhà mình, nếu mới lần đầu thì bạn nên làm nhẹ nhàng nhắc nhở. Bạn có thể treo biển nhắc nhở, hoặc trao đổi trong các cuộc họp tổ dân phố để hàng xóm không xả rác trước cửa nhà bạn.
Nếu họ có thái độ không hợp tác, cố tình chối cãi thì có thể thu thập bằng chứng bằng cách lắp camera, chụp ảnh hoặc đợi đúng lúc người đó để rác trái quy định để nhắc nhở trực tiếp, đề nghị chấm dứt ngay việc để rác bừa bãi.
Trường hợp tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, người dân có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền kèm theo bằng chứng rõ ràng để được giải quyết.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !