NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH THÔNG TIN VỀ CÔNG DÂN VÀO CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ CƯ TRÚ THEO NGHỊ ĐỊNH 154/2024/NĐ-CP
Trong bối cảnh chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý hành chính nhà nước, việc cập nhật, điều chỉnh thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu về cư trú đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác, minh bạch và thuận tiện cho công tác quản lý dân cư. Vì vậy việc điều chỉnh thông tin cư trú của công dân sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các giao dịch hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đồng thời tránh những sai sót có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân cũng như công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Do đó, việc nghiên cứu và nắm rõ những điều cần lưu ý khi thực hiện điều chỉnh thông tin cư trú theo Nghị định 154/2024/NĐ-CP là vô cùng cần thiết.
1. Việc điều chỉnh thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm những gì theo Nghị định 154/2024/NĐ-CP
Căn cứ tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Các thông tin về công dân khi được thu thập, cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu về cư trú phải đảm bảo tính chính xác;
- Trường hợp thông tin về công dân được thu thập, cập nhật từ nhiều nguồn khác nhau mà không thống nhất về nội dung thông tin thì khi thu thập, cập nhật thông tin về công dân, Công an cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đăng ký hộ tịch, cơ quan có liên quan hoặc công dân để kiểm tra tính pháp lý của các thông tin đó và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trước khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Trường hợp công dân phát hiện thông tin của mình hoặc thành viên trong hộ gia đình chưa đầy đủ, chưa chính xác trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì cung cấp thông tin, hồ sơ và đề nghị cơ quan Công an cấp xã nơi cư trú để xem xét, cập nhật, điều chỉnh theo quy định pháp luật và thông báo kết quả cho công dân;
- Các thông tin về công dân đã được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu về cư trú phải được lưu trữ đầy đủ, thể hiện được quá trình lịch sử các lần cập nhật, thay đổi, điều chỉnh.
Theo đó, việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định đã nêu trên.
2. Quyền của công dân về cư trú hiện nay
Căn cứ tại Điều 8 Luật Cư trú 2020 quy định về quyền của công dân về cư trú như sau:
- Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
- Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.
- Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.
- Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu.
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú hiện nay
Trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú được quy định tại Điều 32 Luật Cư trú 2020 như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước.
- Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú và có trách nhiệm sau đây:
+ Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về cư trú;
+ Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú; tổ chức việc đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc, cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
+ Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ quy định về quản lý cư trú trái với quy định của Luật này;
+ Ban hành, in ấn và quản lý tờ khai thay đổi thông tin cư trú và các giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu, sổ sách về cư trú;
+ Trang bị máy móc, phương tiện, thiết bị; bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý cư trú;
+ Thống kê nhà nước về cư trú, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý cư trú, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;
+ Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật;
+ Hợp tác quốc tế về quản lý cư trú.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú theo sự phân công của Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
+ Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú tại địa phương;
+ Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở địa phương về quản lý cư trú;
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;
+ Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng.