Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

CHỒNG CHẾT KHÔNG ĐỂ LẠI DI CHÚC THÌ CHIA TÀI SẢN NHƯ THẾ NÀO?

14:42 CH
Thứ Tư 16/08/2023
 418

Tài sản chung của vợ chồng được chia như thế nào nếu một trong hai người chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà không để lại di chúc?

1. Chia tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng

Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng bao gồm:

  • Tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân;
  • Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân;
  • Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng (trừ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng)
  • Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung;
  • Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Việc vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết đồng nghĩa với việc quan hệ hôn nhân tự chấm dứt. Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định bên còn sống sẽ quản lý tài sản chung của vợ chồng, khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng đã có thỏa thuận trước đó về chế độ tài sản.

Như vậy, nếu người chồng chết mà không để lại di chúc thì tài sản chung được chia đôi, trong đó một nửa thuộc về sở hữu của người vợ. Phần tài sản riêng còn lại của người chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người vợ còn sống thì người này có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Chia sản thuộc sở hữu riêng của người chết

Nếu người chết không để lại di chúc thì tài sản được chia theo hàng thừa kế. Những người trong cùng một hàng thừa kế được hưởng phần di sản ngang nhau. Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thứ tự người thừa kế như sau:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc thời điểm Tòa án tuyên bố người này là đã chết.

3. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế

 

Những người được nhận di sản có thể thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người để lại di sản trước khi mất hoặc văn phòng công chứng. Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

  • Văn bản khai nhận di sản thừa kế;
  • Giấy chứng tử hoặc giấy tờ chứng minh người để lại di sản đã chết;
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản (đăng ký kết hôn, giấy khai sinh…);
  • Các giấy tờ tùy thân của người nhận di sản (CCCD/CMND, hộ khẩu);
  • Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu di sản của người chết (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe, sổ tiết kiệm…);

Sau khi kiểm tra hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, hồ sơ sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Nội dung niêm yết nêu rõ họ tên và mối quan hệ của người để lại di sản và những người khai nhận di sản, danh mục di sản thừa kế. Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP về hướng thi hành Luật công chứng còn quy định nếu trong di sản có bất động sản thì phải niêm yết tại cả Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

Sau 15 ngày niêm yết, nếu như không có khiếu nại, kiến nghị gì thì công chứng viên sẽ công chứng biên bản khai nhận di sản.

Thông tư số 257/2016/TT-BTC của Bộ tài chính quy định chi tiết về mức phí công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế, nguyên tắc tính phí dựa trên giá trị di sản, cụ thể như sau

TT

Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch

                               Mức thu

(đồng/trường hợp)

1

Dưới 50 triệu đồng

50 nghìn

2

Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng

100 nghìn

3

Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng

0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch

4

Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng

01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng

5

Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng

2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng

6

Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng

3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng

7

Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng

5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng.

8

Trên 100 tỷ đồng

32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp).

 

Đồng thời, người yêu cầu công chứng còn phải trả một khoản thù lao cho tổ chức hành nghề công chứng, mức thù lao do hai bên tự thỏa thuận tuy nhiên không được vượt quá mức giá trần do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .