Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

TỰ DO NGÔN LUẬN TRÁI PHÁP LUẬT

15:12 CH
Thứ Năm 27/07/2023
 343

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhân trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Tuy nhiên có rất nhiều người lạm dụng quyền tự do ngôn luận để đem đến những tác động xấu trên mạng xã hội, trái pháp luật.

1. Tự do ngôn luận là gì?

Tự do ngôn luận là nguyên tắc đảm bảo cho một cá nhân hay một cộng đồng quyền tự do nói ra rõ ràng quan điểm và ý kiến của mình mà không sợ bị trả thù, kiểm duyệt, hay trừng phạt pháp lý. Quyền "tự do biểu đạt" đã được công nhận là quyền con người trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) và luật nhân quyền quốc tế của Liên hợp quốc. Nhiều quốc gia đã ghi nhận quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp. Các thuật ngữ tự do ngôn luận và tự do biểu đạt thường được sử dụng thay thế lẫn nhau trong các diễn ngôn chính trị. Tuy nhiên, trong ngôn từ pháp lý, tự do biểu đạt bao hàm tất cả hoạt động tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt bất kỳ thông tin hoặc ý kiến nào thông qua mọi phương tiện truyền thông.

Điều 19 của UDHR quy định rằng "ai cũng có quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp" và "ai cũng có quyền tự do biểu đạt; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và ý kiến tất cả các loại, không kể biên giới quốc gia, bất kể bằng lời nói, bằng văn bản hay in ấn, dưới hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác tùy theo sự lựa chọn của họ". Điều 19 trong ICCPR sau đó cải thiện điều này với việc chỉ ra rằng việc thực hiện các quyền này mang theo "nhiệm vụ và trách nhiệm đặc biệt" và "theo đó phải tuân theo các hạn chế nhất định" khi cần thiết "để tôn trọng quyền hoặc danh dự của những người khác" hoặc "để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, hoặc sức khỏe hay đạo đức cộng đồng".

2. Tự do ngôn luận theo quy định pháp luật Việt Nam:

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy theo quy định của Hiến pháp “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tự do ngôn luận khác với việc tùy tiện vu khống, bôi nhọ, xâm hại đến cá nhân, tổ chức. 

Tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng phải tuân thủ quy định chung của Luật An ninh mạng. Tại Điều 8 Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: Phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật…

Cụ thể hơn, Nghị định 15/2020 đã quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Tại Điều 101 của Nghị định 15/2020 đã quy định: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội…

Tuy nhiên, bên cạnh quy định về quyền tự do ngôn luận, pháp luật cũng bảo đảm các lợi ích khác của cá nhân, tổ chức như quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bải vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm của mình (Điều 21 Hiến pháp 2013)

Như vậy, mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận, bàn luận về các vấn đề trong xã hội nhưng phải có giới hạn, trong khuôn khổ, không làm ảnh hưởng các quyền khác mà Hiến pháp đang bảo vệ, không vi phạm điều cấm được quy định trong Luật an ninh mạng, Luật an toàn thông tin mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự 2015 và một số văn bản pháp luật khác.

Hành vi vi phạm ngoài việc bị xử lý trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về vật chất những thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật Dân sự (nếu có).

Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người. Ở Việt Nam, Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định công dân có quyền tự do ngôn luận đồng thời nhấn mạnh “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều đó là tương ứng với yêu cầu được đặt ra trong các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

3. Những hành vi tự do ngôn luận trái quy định pháp luật

Nếu mọi người đều hiểu “tự do” trong ngôn luận nghĩa là tự do vô chính phủ, tự do kiểu hoang dã, ai cũng nói năng, phát ngôn bừa bãi, xuyên tạc sự thật, bịa đặt, chia sẻ thông tin không kiểm chứng, bất chấp đúng sai sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, gây rối loạn xã hội, nhiễu loạn thông tin và gây ra những mặt trái của hành vi tự do ngôn luận.

Hành vi bịa chuyện vu khống, phỉ báng cá nhân; giới hạn về tự do ngôn luận thể hiện qua án lệ của tòa án, cho phép chính quyền có quyền ngăn chặn, trừng phạt phát ngôn có tính khiêu dâm, phỉ báng, tục tĩu, xúc phạm;

Vu khống, bôi nhọ, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, kích động bạo lực, gây hận thù và những hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền;

Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Nói chung, những hạn chế chung về tự do ngôn luận liên quan đến hành động phỉ báng, tôn giáo, vu khống, tục tĩu, khiêu dâm, tuyên truyền chính trị, kích động, ngôn từ gây hấn, thông tin bí mật, vi phạm bản quyền, bí mật thương mại, nhãn dán thực phẩm, thỏa thuận bảo mật thông tin, quyền riêng tư, quyền được lãng quên, an ninh công cộng, và khai man.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .