Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Hủy kết hôn trái pháp luật trong những trường hợp nào?

10:34 SA
Thứ Năm 24/06/2021
 1220

Dạ em chào Luật sư Sao Sáng ạ!

Em có một vấn đề cần tư vấn như sau: Gia đình em có vay của gia đình anh A một khoản tiền khá lớn, do thời điểm không thể trả được nợ nên gia đình anh A đưa ra yêu cầu: muốn xóa nợ thì phải cưới A, nếu không cưới thì phải bán tất cả tài sản mà gia đình có để trả tiền ngay (anh A là một người có tinh thần không được bình thường). Do lúc đó khó khăn nên gia đình em đã đồng ý gả em cho anh A. Hiện nay, gia đình em đã có kinh kế, đủ khả năng trả nợ, vậy em phải làm thế nào để chấm dứt mối quan hệ vợ chồng với anh A? Em xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Trường hợp của bạn, nếu bạn muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng với con trai nhà A thì bạn có thể thực hiện việc hủy kết hôn trái pháp luật thay vì ly hôn (nếu có đủ chứng cứ cho thấy việc kết hôn của hai người là không hợp pháp)

1/ Thế nào là kết hôn trái pháp luật

Theo khoản 6 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (HNGĐ 2014) quy định việc kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Từ khái niệm kết hôn trái pháp luật, ta có thể hiểu hủy kết hôn trái pháp luật là việc Tòa án ra quyết định tuyên bố việc kết hôn của nam nữ không có giá trị pháp lý, hai bên kết hôn chưa từng phát sinh quan hệ hôn nhân, việc chung sống giữa họ là vi phạm pháp luật và hai bên nam nữ phải chấm dứt việc chung sống đó.

Xem thêm: Điều kiện kết hôn

⇒ Trong trường hợp của bạn, bạn có thể căn cứ vào việc kết hôn không có sự tự nguyện hay bị cưỡng ép kết hôn để có thể yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật với anh A.

2/ Người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Theo Điều 10 Luật HNGĐ 2014 quy định những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Nguyên tắc chung trong tố tụng dân sự là Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình…. theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trên nguyên tắc đó, Tòa án chỉ giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật khi có yêu cầu. Không chỉ cá nhân mà cơ quan, tổ chức cũng có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Không chỉ bản thân những người kết hôn trái pháp luật có quyền yêu cầu mà những cá nhân có quyền, lợi ích bị xâm phạm do việc kết hôn trái pháp luật hoặc cá nhân có liên quan đến một trong hai bên kết hôn cũng có quyền yêu cầu. 

Tuy nhiên, căn cứ vào sự vi phạm điều kiện kết hôn khác nhau mà Luật HNGĐ 2014 quy định người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật có khác nhau. Trong trường hợp kết hôn trái pháp luật do người kết hôn bị cưỡng ép, bị lừa dối (vi phạm điều kiện về sự tự nguyện) thì bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật của chính mình. Trong trường hợp vì lý do nào đó mà người bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn không tự mình yêu cầu thì họ có quyền đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật của họ. Đối với trường hợp vi phạm các điều kiện kết hôn khác thì Hội Liên hiệp Phụ nữ, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc vợ, chồng, cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người kết hôn trái pháp luật có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

3/ Giải quyết việc kết hôn trái pháp luật 

Điều 11 Luật HNGĐ 2014Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định về vấn đề xử lý việc kết hôn trái pháp luật như sau:

- Trường hợp nam, nữ có đăng ký kết hôn nhưng việc kết hôn đăng ký tại không đúng cơ quan có thẩm quyền (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) mà có yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ đồng thời hủy Giấy chứng nhận kết hôn và thông báo cho cơ quan hộ tịch đã đăng ký kết hôn để xử lý theo quy định. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ đối với con; tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật HNGĐ.

- Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật HNGĐ tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ.

- Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn thì Tòa án sẽ giải quyết theo một trong các hướng sau:

+ Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.

+ Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Trường hợp có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến thời điểm hủy việc kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo quy định tại Điều 12 của Luật HNGĐ.

+ Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến trước thời điểm đủ điều kiện kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật HNGĐ; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 59 Luật HNGĐ.

- Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn quy định thì thực hiện như sau:

+ Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;

+ Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.

4/ Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

Thứ nhất, quan hệ giữa các bên kết hôn trái pháp luật

  • Về quan hệ nhân thân: Về nguyên tắc, Nhà nước không thừa nhận hai người kết hôn trái pháp luật là vợ chồng. Do đó, giữa họ không tồn tại quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng. Hơn nữa, việc kết hôn là trái pháp luật nên việc chung sống như vợ chồng giữa các bên cũng là trái pháp luật. Kể từ ngày quyết định hủy kết hôn trái pháp luật của Tòa án có hiệu lực, hai bên phải chấm dứt việc sống chung như vợ chồng với nhau.

  • Về quan hệ tài sản: Do hai người kết hôn trái pháp luật không phải là vợ chồng hợp pháp nên quan hệ tài sản giữa họ được giải quyết như trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Nếu các bên áp dụng chế độ tài sản theo quy định của pháp luật thì tài sản do các bên tạo ra hoặc thu nhập hợp pháp trong thời gian chung sống là tài sản chung theo phần, không phải là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng. Trong trường hợp các bên áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì tài sản chung, tài sản riêng của các bên được xác định theo văn bản thỏa thuận trước khi kết hôn. Khi Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật, tài sản riêng của ai vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó. Tài sản chung (nếu có) được chia theo thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì chia theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan. Khi giải quyết quan hệ tài sản cần phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung của gia đình được coi như lao động có thu nhập.

  • Về nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo sự thỏa thuận của họ. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự về nghĩa vụ và hợp đồng. Quy định này nhằm giải quyết thấu đáo về vấn đề tài sản khi các bên chung sống xác lập các quyền và nghĩa vụ với nhau theo hợp đồng.

Thứ hai, quan hệ giữa các bên với con chung

Về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con được pháp luật quy định không phụ thuộc vào hôn nhân của cha mẹ có hợp pháp hay không hợp pháp, còn tồn tại hay chấm dứt. Vì vậy, Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con chung. Tuy nhiên, do các bên phải chấm dứt cuộc sống chung nên họ không thể cùng nhau trực tiếp nuôi dạy con chung. Việc giao con cho bên nào trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng phải được quyết định rõ ràng để bảo vệ quyền và lợi ích của con.

Pháp luật hôn nhân và gia đình quy định khi hủy việc kết hôn trái pháp luật, vấn đề con chung được giải quyết như khi vợ chồng ly hôn. Việc giao con cho bên nào trực tiếp nuôi do các bên thỏa thuận. Nếu họ không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định. Bên không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng và có quyền thăm nom. Quyết định người trực tiếp nuôi con và vấn đề cấp dưỡng cho con phải vì quyền lợi của con.

(Hình ảnh đội ngũ Luật sư Công ty Luật TNHH Sao Sáng tham gia phiên tòa tại Nam Định)

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .