Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

"Sống thử" theo góc nhìn pháp luật

17:22 CH
Thứ Ba 08/06/2021
 1298

Trong những năm gần đây, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã xuất hiện một lối sống mới của giới trẻ: Những đôi nam nữ sống chung như vợ chồng nhưng không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, sẽ đăng ký kết hôn theo pháp luật. Người ta gọi đó là “sống thử”. Hiện tượng này đã và đang có xu hướng trở thành “mốt” trong lối sống của giới trẻ hiện nay, không chỉ trong giới công nhân sống xa nhà mà còn cả ở những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Người ta vẫn còn đang tranh cãi việc nên hay không nên chấp nhận sống thử hoặc là giá trị đạo đức có bị xói mòn vì hành vi trên hay không?  Vậy theo góc nhìn của pháp luật thì việc “sống thử” này như thế nào?

Trước hết chúng ta cần hiểu định nghĩa sống thử là gì? Sống thử là việc hai người nam, nữ có quan hệ tình cảm với nhau và sống chung với nhau như vợ chồng mà không có bất cứ ràng buộc nào theo quy định của pháp luật (như là giấy đăng kí kết hôn).

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các văn bản có hướng dẫn liên quan thì việc nam nữ chưa đăng kí kết hôn mà sống chung với nhau như vợ chồng thì sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cũng không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng. Việc kết hôn chỉ có giá trị pháp lý khi được đăng ký bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Hộ tịch năm 2014. Và việc nam nữ chưa đăng ký kết hôn mà sống chung với nhau như vợ chồng không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị phạt hành chính hay xử lý hình sự, nam chưa vợ, nữ chưa chồng sống với nhau một cách tự nguyện thì không gặp phải vấn đề rắc rối pháp lý nào.

Tuy nhiên, bởi vì không có sự ràng buộc trở ngại nào nên là sống thử chứa đựng rất nhiều rủi ro pháp lý như là:

Thứ nhất, do không phải là vợ/chồng chính thức vì thế bạn sẽ không được pháp luật hôn nhân bảo vệ  khi có sự xuất hiện của người thứ ba trong một cuộc tình (mọi người vẫn thường gọi là Tuesday hay là trà xanh,…).

Căn cứ theo Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Vợ, chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”.

Nếu mà vi phạm nguyên tắc chung thủy thì có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 Bộ luật Hình sự về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng”, do vậy những người thứ ba có thể bị pháp luật vào cuộc để xử lý, chấn chỉnh. Tuy nhiên, sống thử thì không có quan hệ hôn nhân cho nên là không bị pháp luật ràng buộc, tức là trên danh nghĩa bạn vẫn còn đang độc thân và người yêu của bạn cũng vậy. Mà người độc thân thì có thể tán tỉnh bất kì ai mà họ muốn đúng không nào?

Thứ hai, sẽ có những rắc rối trong việc làm thủ tục khai sinh cho con.

Điều đó thể hiện ở chỗ việc các bạn sống thử được nâng lên tầng cao mới đó là có con chung nhưng mà các bạn vẫn không muốn đăng kí kết hôn vì vậy thủ tục đăng ký giấy khai sinh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do một trong những điều kiện cần để làm giấy khai sinh cho con đó là giấy đăng kí kết hôn của bố mẹ. Nhưng trường hợp sống thử thì không có giấy này nên căn cứ theo Khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống”.

Do vậy, trong trường hợp người cha không muốn nhận đứa trẻ đó thì đứa trẻ đó sẽ mặc nhiên theo họ mẹ, trường hợp người cha muốn con thì phải cung cấp chứng cứ chứng minh được quan hệ cha con. Ví dụ như: kết quả giám định AND,… thì từ đó mới xác định quan hệ được.

Thứ ba, có sự khó khăn trong việc phân chia tài sản

Việc chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật thừa nhận nên việc giải quyết hậu quả về tài sản và quyền nuôi con khi nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định tại điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:

"1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này".

Do không có quan hệ vợ chồng nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng. Quan hệ tài sản sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, tài sản sẽ được giải quyết theo nguyên tắc:

- Tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc về người đó.

- Tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến vấn đề hôn nhân của Quý khách hàng để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương án tối ưu và hiệu quả.

Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .