Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Quyền lợi người lao động khi công ty phá sản

14:01 CH
Thứ Bảy 19/11/2022
 5666

Khi công ty lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính dẫn tới phải tuyên bố phá sản. Nhiều người lao động lo lắng không biết quyền lợi chính đáng của mình sẽ được thực hiện như thế nào. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền của người lao động trong trường hợp này? Thứ tự ưu tiên được xử lý các tài sản của công ty ra sao? Những quyền lợi nào mà người lao động được hưởng?

Luật Sao Sáng xin gửi đến Quý độc giả bài viết giải đáp các thắc mắc trên

Chấm dứt hợp đồng lao động khi công ty phá sản

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 34 của Bộ luật Lao động năm 2019, một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động là khi “Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.

Một trong số những trường hợp mà doanh nghiệp chấm dứt hoạt động là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản theo quyết định của Toàn án nhân dân. Theo Điều 108 Luật Phá sản năm 2018 doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động ngay sau khi tòa án ra quyết định.

Như vậy trường hợp doanh nghiệp bị phá sản là một trường hợp dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Người lao động được ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp phá sản

Mặc dù doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã lâm vào tình trạng không thể thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc là thời điểm Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp không còn bất kỳ tài sản nào. Những tài sản còn lại của công ty như trang thiết bị, máy móc, quyền sử dụng đất, nhà xưởng,…. sẽ được xử lý để thanh toán các khoản nợ và các chi phí khác theo quy định của pháp luật trong đó có các khoản tiền về lương và các quyền lợi khác cho người lao động.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp doanh nghiệp phá sản thì tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán.

Mặt khác, Khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản 2014 quy định thứ tự phân chia tài sản của doanh nghiệp sau khi có quyết định phá sản của Tòa án như sau:

       1. Chi phí phá sản;

       2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

       3. Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

      4.Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Như vậy với quy định nêu trên người lao động sẽ được ưu tiên thanh toán sau khi doanh nghiệp đã chi trả chi phí phá sản. Trường hợp tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh lý hết chỉ vừa đủ hoặc thậm chí không đủ chi trả chi phí phá sản thì người lao động sẽ KHÔNG nhận được bất cứ khoản thanh toán nào.

Những quyền lợi của người lao động được thanh toán

Như đã phân tích ở trên, người lao động sẽ được thanh toán nếu doanh nghiệp vẫn có đủ khả năng thanh toán sau khi đã trả chi phí phá sản. các khoản tiền này bao gồm:

Tiền lương chưa được thanh toán

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 48, Bộ luật Lao động năm 2019 trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (ngày có quyết định phá sản của Tòa án), doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động. Trường hợp doanh nghiệp phá sản có thể kéo dài thời hạn thanh toán nhưng không được quá 30 ngày

Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả tiền lương lao động theo thời gian làm việc thực tế chưa được thanh toán lương trong thời gian luật định.

Trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại Điều 46. Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động chấm đứt hợp đồng lao động trong trường hợp doanh nghiệp phá sản được trả trợ cấp thôi việc nếu đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.

Với mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, cụ thể:

Tiền trợ cấp thôi việc = 1/2 x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Trong đó:

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc: là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc: là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.

Ngoài việc được trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, doanh nghiệp còn phải thanh toán các loại bảo hiểm cho người lao động gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cùng các khoản lợi ích khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động

Trên đây là toàn bộ nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về vấn đề “Quyền lợi người lao động khi công ty phá sản” Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936 65 36 36 0972 17 27 57 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .