Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Bảo hộ tên thương mại trong môi trường Internet - Doanh nghiệp cần làm gì?

13:20 CH
Thứ Hai 25/10/2021
 642

Môi trường Internet là nơi để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình, mà thương hiệu được người tiêu dùng nhận biết trước hết là tên thương mại. Sự phổ biến rộng khắp toàn cầu cùng với lượng lớn người dùng là một yếu tố rất quan trọng để các chủ thể kinh doanh lựa chọn làm công cụ quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, sự tự do phát ngôn và tự do truy cập thông tin của Internet đôi khi sẽ mang lại những ảnh hưởng không tốt cho hoạt động kinh doanh của chủ thể. Lúc này, chủ thể kinh doanh cũng như tên thương mại sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bảo hộ tên thương mại trong môi trường Internet là gì?

Bảo hộ tên thương mại trong môi trường Internet là việc Nhà nước đề ra các quy định về việc đăng ký, sử dụng, định đoạt các ứng dụng trên Internet không được phép xâm phạm tên thương mại và đề ra các quy định xác định các hành vi vi phạm cũng như các biện pháp bảo vệ tên thương mại trên Internet.

Việc bảo hộ tên thương mại trong môi trường Internet cũng bao gồm các quy định về điều kiện bảo hộ, xác lập quyền, nội dung quyền của chủ sở hữu, phạm vi bảo hộ quyền, xâm phạm quyền và các biện pháp bảo vệ, tuy nhiên những quy định này không phải áp dụng trực tiếp đối với tên thương mại mà áp dụng gián tiếp qua các quy định pháp luật đối với các ứng dụng trên Internet như tên miền, website hay các trang thông tin điện tử.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại và các giới hạn quyền đối với tên thương mại

Theo quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật SHTT 2005 quy định: “Chủ sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.

Tại Điều 123 Luật SHTT 2005 về Quyền của chủ sở hữu đối với đối tượng SHCN thì chủ sở hữu có 03 quyền: quyền sử dụng và cho phép người khác sử dụng tên thương mại, ngăn cấm người khác sử dụng tên thương mại và quyền định đoạt đối với tên thương mại.

Chủ sở hữu tên thương mại cũng có những giới hạn nhất định về quyền đối với tên thương mại. Khoản 4 Điều 21 Luật SHTT 2005 quy định tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác tỏng cùng lĩnh vực hoặc khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh theo khoản 21 Điều 4 Luật SHTT 2005 quy định là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại trong môi trường Internet

Theo quy định tại khoản 2 Điều 192 Luật SHTT 2005 quy định mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước đó cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại trong môi trường Internet là hành vi xâm phạm tên thương mại trên Internet là các hành vi có yếu tố xâm phạm do chủ thể không phải là chủ thể quyền SHCN và không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện trên Internet và nhằm vào người tiêu dùng ở Việt Nam.

Xâm phạm tên thương mại trên Internet chính là một dạng tên thương mại, nơi xảy ra hành vi vi phạm này là trong môi trường Internet và hành vi này được thực hiện thông qua các ứng dụng của Internet. Có thể hiểu rằng hành vi xâm phạm tên thương mại trên Internet là hành vi sử dụng tên thương mại mà mình không có quyền sở hữu trên Internet mà hành vi sử dụng đó có yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm tên thương mại.

(i) Quy định xâm phạm tên thương mại trên các trang thông tin điện tử

Theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng quy định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng. Một hình thức xâm phạm phổ biến là khi thiết lập các trang thông tin điện tử, chủ sở hữu phải đăng ký tên miền để có thể có được địa chỉ trên Internet, nhưng chính tên miền đó đã giả mạo, trùng hoặc gần giống đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của tổ chức, cá nhân về nguồn gốc của sản phẩm. Hay hình thức xâm phạm khác đó là có thể trang thông tin điện tử đó không trùng hoặc gần giống đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại nhưng chủ sở hữu trang thông tin điện tử có thể gắn tên thương mại đó lên hàng hoá đó lên dịch vụ hoặc dùng tên thương mại đó để quảng cáo cho hàng hoá, dịch vụ.

(ii) Quy định xâm phạm tên thương mại trên các trang mạng xã hội

Hiện tại pháp luật Việt Nam không có quy định như thế nào là xâm phạm tên thương mại trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, theo điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có thể hiểu Xâm phạm tên thương mại trên trang mạng xã hội là hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm phạm đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi bị cấm. Theo khoản 4 Điều 26 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội cũng quy định họ phải chịu trách nhiệm những nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp và truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết do mình thiết lập.

Biện pháp xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại trong môi trường Internet

Theo quy định tại Điều 198 Luật SHTT 2005 quy định cụ thể về quyền tự bảo vệ của chủ thể SHTT 2005 như sau: (1) Các chủ thể có quyền tự áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT 2005; (2) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT 2005 phải chấm dứt hành vi đó và phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại; (3) Yêu cầu cơ quan nàh nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm; (4) Khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền hoặc trọng tài để giải quyết.

Thứ nhất, biện pháp hành chính. Căn cứ Chương XVIII Luật SHTT 2005, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP và Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHCN. Theo Điều 214 Luật SHTT 2005 có các biện pháp xử phạt hành chính như sau:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền;

- Tuỳ theo tính chất, mức độ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung;

- Áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả;

Thứ hai, biện pháp hình sự. Quy định các tội danh và hình phạt tương ứng bao gồm: Điều 192 Tội sản xuất và buôn bán hàng giả; Điều 198 Tội lừa dối khách hàng; Điều 226 Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Thứ ba, biện pháp dân sự. Biện pháp này được áp dụng khi có yêu cầu của chủ sở hữu tên thương mại hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra được quy định cụ thể tại Điều 202 Luật SHTT 2005.

Ngoài các biện pháp kể trên thì chủ sở hữu quyền SHTT 2005 còn có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm và làm giảm bớt thiệt hại cho các chủ sở hữu đối tượng SHTT 2005.

Liên quan đến biện pháp xử lý hành vi xâm phạm tên thương mại trên Internet, pháp luật SHTT chỉ quy định việc đăng ký, chiếm giữ và sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của tên thương mại thì bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và sẽ bị xử phạt theo các biện pháp hành chính (điểm d khoản 1 Điều 130 Luật SHTT 2005). Ngoài ra, còn có thể áp dụng thêm hình phạt bổ sung đó là thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền (điểm c khoản 18 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP).

Doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao hiệu quả bảo hộ tên thương mại trong môi trường Internet?

Doanh nghiệp cần chủ động đăng ký, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước. Để bảo mật tên miền nên chú trọng các điểm sau:

Thứ nhất, chọn một cơ quan đăng ký có uy tín về vấn đề bảo mật và xử lý hành chính. Một cơ quan đăng ký càng lớn, có công cụ quản lý trên web càng phức tạp thì cơ hội bị lỗ hổng bảo mật càng nhiều. Nếu tên miền có giá trị quan trọng đối với doanh nghiệp nên sử dụng quản lý trực tiếp mặt đối mặt thay vì qua web. Tất cả mọi thay đổi trên tên miền chỉ nên được thực thi khi có giấy tờ chứng minh chủ quyền. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng hòm thư miễn phí (như Email,…) để đăng ký tên miền. Nếu không có lựa chọn nào khác nên dùng Gmail và sử dụng tính năng 2 lớp mật khẩu xác thực của Gmail để bảo vệ hòm thư của mình.

Thứ hai, in ra các giao dịch đăng ký tên miền hoặc tải về và lưu trong USB nào đó để cất kỹ rồi xoá trọn toàn bộ thông tin liên quan đến việc đăng ký tên miền trong hòm thư Gmail.

Những biện pháp trên nhằm tăng cường tính bảo mật cho tên miền hay chính các dữ liệu trên website đó. Đây cũng là cách hạn chế nhiều trường hợp doanh nghiệp hay tổ chức bị “lấy trộm tên miền” hay là các tài nguyên trên trang thông tin đó. Bên cạnh đó, các chủ thể cần linh hoạt hơn trong vấn đề duy trì đăng ký tên miền và kịp thời đăng ký trên tên miền và kịp thời đăng ký khi tên miền liên quan đến tên tổ chức, doanh nghiệp hay tên hàng hoá bị tịch thu, không được duy trì sự tồn tại.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần thiết lập các trang mạng xã hội cho riêng mình, cập nhật quản lý các thông tin trên đó để tránh các tổ chức cá nhân khác có cơ hội giả mạo. Các doanh nghiệp cũng cần thiết lập phòng pháp chế để kiểm tra, các thông tin, các trang mạng xã hội khác, nếu phát hiện thì cần nhanh chóng kịp thời thực hiện các biện pháp ngăn chặn và bảo vệ.

Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi, cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến tất cả lĩnh vực để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .