Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Những điều cần lưu ý về giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại

10:30 SA
Thứ Bảy 12/06/2021
 1287

Trong thực tiễn tố tụng kinh doanh - thương mại cho thấy ngày càng nhiều vụ/việc tranh chấp giữa các bên được giải quyết bằng Trọng tài thay vì bằng Tòa án theo truyền thống.

Trọng tài thương mại là một trong những phương pháp giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại được lựa chọn ngày càng nhiều bởi những ưu điểm vượt bậc. Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài nhanh gọn, đơn giản và linh hoạt giúp cho các doanh nghiệp bảo đảm quá trình kinh doanh ổn định, bảo vệ các bí mật thông tin tranh chấp không làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Trọng tài thương mại là một trong những phương pháp giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại được lựa chọn ngày càng nhiều bởi những ưu điểm vượt bậc. Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài nhanh gọn, đơn giản và linh hoạt giúp cho các doanh nghiệp bảo đảm quá trình kinh doanh ổn định, bảo vệ các bí mật thông tin tranh chấp không làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Trọng tài thương mại là gì?

Trọng tài thương mại theo khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại năm 2010 được định nghĩa là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận. Việc tiến hành giải quyết tranh chấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Các tranh chấp ở đây là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Các hình thức trọng tài thương mại

Hiện nay, trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức cơ bản là trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực.

Thứ nhất, trọng tài vụ việc

Đây là hình thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc và sẽ không còn tồn tại khi vụ việc đã được giải quyết xong. Đặc trưng cơ bản của trọng tài vụ việc bao gồm:

  • Được thành lập khi các tranh chấp phát sinh và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
  • Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên. Trọng tài viên được các bên có tranh chấp chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ một trung tâm trọng tài nào.
  • Quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài khác.

Thứ hai, trọng tài thường trực

Đây là hình thức trọng tài được tổ chức khá chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách các trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng. Đa số các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này dưới những tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài,… nhưng chủ yếu và phổ biến được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài.

Điều kiện để giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng trọng tài

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể được các bên thỏa thuận trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp tùy từng trường hợp. Thỏa thuận trọng tài được thể hiện ở dạng một điều khoản của hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng, nhưng bắt buộc thỏa thuận phải được lập thành văn bản. Các hình thức thỏa thuận dưới đây cũng được xem là xác lập dưới dạng văn bản:

  • Thỏa thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
  • Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin giữa các bên.
  • Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên.
  • Trong giao dịch của các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng cứ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác.
  • Qua trao đổi về đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận của một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Tuy nhiên đối với các trường hợp dưới đây, thỏa thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu:

  • Thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010.
  • Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Người xác lập không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.
  • Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
  • Hình thức của thỏa thuận không phù hợp với các quy định được nêu ở trên.
  • Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
  • Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

​​​​​​​

Trọng tài Thương mại giải quyết tranh chấp dựa trên những nguyên tắc nào?

Trọng tài Thương mại phải tuân theo các nguyên tắc sau đây khi giải quyết tranh chấp:

- Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội;

- Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật;

- Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng Trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình;

- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;  

- Phán quyết Trọng tài là chung thẩm.

Thủ tục tố tụng Trọng tài thương mại:

Thủ tục tố tụng do các bên thỏa thuận hoặc lựa chọn áp dụng theo quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài mà mình đã chọn.

Một số đặc điểm của tố tụng Trọng tài Thương mại:

Hội đồng Trọng tài: Trừ khi có thỏa thuận khác, Hội đồng Trọng tài sẽ có 03 thành viên, 01 do Nguyên đơn chọn, 01 do Bị đơn chọn và 01 do 02 Trọng tài viên này thống nhất chọn. Các bên tranh chấp cũng có thể thống nhất chọn 01 Trọng tài viên duy nhất để giải quyết vụ tranh chấp.

Ngôn ngữ: Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng Trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng Trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng Trọng tài do Hội đồng Trọng tài quyết định.

Địa điểm: Các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp; trường hợp không có thoả thuận thì Hội đồng Trọng tài quyết định. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Luật áp dụng: Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng Trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp nhất.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, thương mại nói chung cũng như giải quyết bằng phương pháp Trọng tài Thương mại nói riêng của Quý khách hàng để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng theo đúng quy định của pháp luật. Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .