Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Nhượng quyền thương mại là gì?

15:44 CH
Thứ Ba 08/06/2021
 567

Nhượng quyền thương mại là phương thức kinh doanh ngày càng phổ biến. Phương thức này đã tạo nên cuộc cách mạng trong phân phối hàng hoá, dịch vụ ở hầu khắp các ngành nghề và làm thay đổi diện mạo kinh tế nhiều quốc gia.

Khái niệm nhượng quyền thương mại

Có thể hiểu nhượng quyền thương mại (NQTM) là phương thức mở rộng mạng lưới, hệ thống kinh doanh, phân phối hàng hóa, dịch vụ mà không phải bỏ ra nhiều chi phí đầu tư thông qua việc chủ thể nhượng quyền chia sẻ cho chủ thể nhận quyền các quyền kinh doanh trên một thương hiệu, bí quyết kinh doanh.

Nhượng quyền thương hiệu đã được chứng minh là một trong những mô hình kinh doanh thành công nhất trong vòng 100 năm qua, kể từ sau Thế chiến thứ II. Tại những quốc gia phát triển như ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Australia, nhượng quyền thương mại là mô hình chủ đạo để các doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới.

Tại Việt Nam, hình thức kinh doanh nhượng quyền đã có mặt từ trước năm 1975 thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu của Mỹ như: Mobil, Exxon (Esso), Shell. Sau đó, nhượng quyền thương mại xuất hiện trở lại vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Trước sự phát triển của loại hình kinh doanh này, Điều 284 Luật Thương mại 2005 đã đề cập đến nhượng quyền thương mại như sau:

“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.

Đặc điểm nhượng quyền thương mại

Thứ nhất, về chủ thể:

Một trong những điều kiện tối thiểu để có thể tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại đó là yếu tố chủ thể tham gia phải là thương nhân. Thương nhân ở đây có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, là công dân trong nước hoặc người nước ngoài.

Nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại theo đó tồn tại những thỏa thuận được thực hiện bởi ít nhất hai chủ thể khác nhau là bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Hai bên này đều phải là các thương nhân và có tư cách pháp lý hoàn toàn độc lập với nhau. Sau khi nhận quyền thương mại, bên nhận quyền được tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên cơ sở sự cho phép của bên nhượng quyền thương mại để khai thác lợi ích cho mình.

Thứ hai, về đối tượng nhượng quyền thương mại:

Khác với các hoạt động thương mại thông thường, đối tượng của nhượng quyền thương mại không phải là hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà là quyền thương mại. Đây là hoạt động thương mại có sự chuyển giao quyền thương mại gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ đó là cách thức tổ chức kinh doanh, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu, nhãn hiệu,… của bên nhượng quyền cho bên nhận quyền.

Thứ ba, tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền:

Do đặc trưng của nhượng quyền thương mại là phải tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền đã làm cho khách hàng lầm tưởng rằng toàn bộ các cơ sở trong hệ thống là của một chủ sở hữu duy nhất mà họ không biết rằng họ là các thương nhân độc lập cả về mặt pháp lý và tài chính. Vì vậy, trong hệ thống nhượng quyền cần có sự đồng bộ để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của hệ thống, mặc dù sự đồng bộ này chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào chính sách của bên nhượng quyền. Để đảm bảo tính đồng bộ, bên nhượng quyền thường có những hoạt động nhằm trợ giúp, hỗ trợ cho bên nhận quyền  trong quá trình kinh doanh.

Thứ tư, mối quan hệ giữa bên nhận quyền và bên nhượng quyền:

Bên nhượng quyền và bên nhận quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại dù là hai chủ thể độc lập nhưng luôn tồn tại trong một mối quan hệ ràng buộc mật thiết với nhau trong suốt thời gian nhượng quyền.

Một đặc điểm nổi bật của nhượng quyền thương mại so với các hoạt động thương mại khác đó là luôn tồn tại quyền kiểm soát và trợ giúp của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền trong suốt quá trình nhượng quyền. Nhượng quyền thương mại thực chất là cả hai bên cùng kinh doanh một đối tượng kinh doanh, là việc mở rộng mô hình kinh doanh đã thành công trên thị trường bằng cách chia sẻ quyền kinh doanh thương mại cho các thương nhân nhận quyền. Tuy nhiên việc mở rộng mô hình kinh doanh, bên nhượng quyền thương mại luôn phải đối mặt với nguy cơ giảm uy tín thương mại nếu bên nhận quyền không thực hiện đúng cam kết. Điều này đòi hỏi bên nhượng quyền phải kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền, khiến bên nhận quyền phải tuân thủ chặt chẽ mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền, qua đó bảo vệ được thương hiệu của mình.

Thứ năm, hình thức pháp lý của nhượng quyền thương mại

Cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ nhượng quyền thương mại chính là hợp đồng nhượng quyền thương mại, là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong quan hệ nhượng quyền thương mại.

Liên quan đến vấn đề trên, khách hàng cần giải đáp, xin liên hệ hotline công ty Luật Sao Sáng – 09366653636 để được hỗ trợ.
Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .