Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Có được công chứng hợp đồng mua bán xe bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo thoả thuận được không?

13:47 CH
Thứ Ba 03/08/2021
 427

Kính chào luật sư, tôi có ký kết hợp đồng mua bán xe ô tô với một người nước ngoài, hai bên có thỏa thuận: hợp đồng được lập thành hai bản tiếng Anh và tiếng Việt có giá trị như nhau. Sau khi ký kết, hợp đồng phải công chứng mới có hiệu lực. Vậy, chúng tôi có thể yêu cầu công chứng viên công chứng cả hai bản tiếng Việt và tiếng Anh được không?

Theo Thông tư 15/2014/TT-BCA Quy định về đăng ký xe thì “Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực” (điểm g khoản 1 Điều 10).

Như vậy, khi mua bán xe thì giấy bán xe phải được công chứng bởi phòng hoặc văn phòng công chứng hoặc chứng thực Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe. Hợp đồng mua bán xe ô tô của anh/chị phải được công chứng theo quy định của pháp luật.

Thứ nhất, về công chứng bản hợp đồng tiếng Việt

Căn cứ vào Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015, có thể hiểu hợp đồng mua bán xe là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu chiếc xe sang cho bên mua và bên mua trả tiền theo thỏa thuận của hai bên cho bên bán.

Để thực hiện được việc mua bán thì chiếc xe phải không bị cấm, bị hạn chế mua bán, chuyển nhượng, phải thuộc sở hữu của người bán hoặc người bán có quyền bán.

Ngoài ra, để một giao dịch có hiệu lực thì cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Các bên tham gia thực hiện hợp đồng mua bán xe phải có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự; Những người tham gia ký kết hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện; Mục đích, nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015).

Công chứng, chứng thực là một biện pháp bảo đảm về mặt hình thức, nội dung cho các giao dịch dân sự.

Theo Điều 6 Luật Công chứng 2014 quy định tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt. Như vậy, hợp đồng mua bán trên đương nhiên được công chứng với bản tiếng Việt.

Theo Điều 40 Luật Công chứng 2014, hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau:

“a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;

d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.”

Thứ hai, đối với bản dịch tiếng Anh

Theo khoản 1 Điều 61 Luật công chứng năm 2014 quy định: “Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện”.

Trong trường hợp trên, hợp đồng được lập thành hai bản tiếng Việt và tiếng Anh theo sự thoả thuận. Vì vậy, để có thể công chứng được hợp đồng mua bán bằng tiếng Anh thì cần phải dịch sang tiếng Việt, và người phiên dịch phải là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng, nơi mà các bên yêu cầu công chứng, thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó và chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện. Sau khi hợp đồng được dịch sang tiếng Việt bởi công tác viên của tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên tiến hành thực hiện công chứng bản dịch đó.

Do vậy, hợp đồng tiếng Anh do hai bên tự thiết lập sẽ không được công chứng, mà chỉ được công chứng hợp đồng mua bán bản tiếng Việt. Nếu anh/chị đều muốn được công chứng hợp đồng mua bán bằng tiếng Anh và tiếng Việt, thì có thể đến tổ chức hành nghề công chứng để công chứng bản dịch từ bản hợp đồng bằng tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc từ bản tiếng Anh sang tiếng Việt tùy vào sự lựa chọn và sự thông thạo ngoại ngữ của các bên tham gia hợp đồng.

Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi, cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến tất cả lĩnh vực để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng cảm ơn!

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .