Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

THỦ TỤC TỐ TỤNG ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI

16:00 CH
Thứ Sáu 15/04/2022
 613

Thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi được quy định cụ thể tại chương XXVIII Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Vậy thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi được quy định như thế nào? Có khác biệt so với thủ tục với người từ đủ 18 tuổi trở lên không? Để hiểu rõ hơn về thủ tục này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:

1. Nguyên tắc tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi:

Người dưới 18 tuổi là chủ thể đặc biệt trong TTHS, bởi đối tượng này chưa có khả năng nhận thức đầy đủ, còn hạn chế về nhận thức xã hội, kiến thức pháp luật. Người dưới 18 tuổi đang trong quá trình phát triển tâm sinh lý nên pháp luật đặt ra không chỉ răn đe mà còn mang tính chất giáo dục, phòng ngừa. Pháp luật quy định nguyên tắc tố tụng với người dưới 18 tuổi: Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi;  Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi;  Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt; Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi; Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi;  Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.

2. Chủ thể tiến hành tố tụng trong những vụ án có người dưới 18 tuổi

Điều 415 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”. Ngoài ra, để thống nhất trong việc áp dụng, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi cũng có đề cập về vấn đề này.

Khi tiến hành giải quyết các vụ án hình sự có người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán ngoài những kiến thức chung về người phạm tội, pháp luật tố tụng hình sự đòi hỏi họ cần phải có thêm những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm do người dưới 18 tuổi để bảo đảm cho việc tiến hành các hoạt động điều tra truy tố, xét xử được tuân thủ theo đúng pháp luật và phù hợp với chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tuy nhiên, nội dung của Điều 415 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định một cách chung chung về người tiến hành tố tụng; cụ thể: “được đào tạo” hoặc “có kinh nghiệm”, “có hiểu biết cần thiết”, trong thực tiễn tố tụng, rất khó để xác định các vấn đề này.

3. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong những vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội.

Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế là những biện pháp mang tính nghiêm khắc, nhằm đảm bảo hiệu quả của các hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm của biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế là tính “lựa chọn” khi áp dụng, có nghĩa là có cần thiết áp dụng hay không, nếu cần thiết thì biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế nào sẽ được áp dụng. Vì thế, không phải trong mọi trường hợp khi có hành vi phạm tội xảy ra, biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đều được áp dụng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, nhất là nhóm người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi (Xem thêm hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 26/12/2018). Tuy nhiên, những hạn chế tại Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã được bộc lộ; theo đó, Điều luật vẫn còn mang tính chung chung “chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết”, “Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả”; ngoài ra, thời hạn tạm giam chưa thể hiện được sự phân hóa theo nhóm tuổi trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, các biện pháp ngăn chặn khác như: đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú… chưa được đề cập trong Điều 419 dành riêng cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.

4. Sự tham gia của người bào chữa, người đại diện, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi

Điều 422 BLTTHS 2015 quy định rõ việc bào chữa như sau: Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội. Nếu họ không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa. Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi bị buộc tội, pháp luật tố tụng hình sự quy định bắt buộc phải có người bào chữa.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn Luật sư phân công tổ chức luật sư; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình, theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự.

So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung khá hợp lý về sự tham gia của người bào chữa, người đại diện, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội trong những vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi xét cả về góc độ kỹ thuật lập pháp cũng như nội dung điều luật. Tuy nhiên, bản thân Điều 420, Điều 422 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng bộc lộ những hạn chế: quy định về việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức thiếu tính “bắt buộc”, một khi còn quy định là quyền thì ở đó sẽ còn sự tùy nghi “tham gia hoặc không”. Bên cạnh đó, nội dung Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng chưa bao quát hết các giai đoạn tố tụng đòi hỏi sự tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức; chẳng hạn như ở giai đoạn truy tố, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định về quyền của người đại diện, nhà trường, tổ chức tại Điều 420.

5. Việc thực hiện các biện pháp tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Lấy lời khai:

Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ. Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.

Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp. Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:

- Phạm tội có tổ chức;

- Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;

- Ngăn chặn người khác phạm tội;

- Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;

- Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.

Xét xử:

- Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

- Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín, phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

- Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi.

- Đối với vụ án có bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình bày lời khai tại phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng.

- Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ hơn các biện pháp tố tụng được thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, một số hoạt động điều tra như: khám xét, xem xét dấu vết trên thân thể, giám định… chưa có các quy định riêng. Ngoài ra, trong quy định về phần thủ tục xét xử, Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn nhiều vướng mắc nhất là: trường hợp xét xử kín, thành phần Hội đồng xét xử cần quy định rõ ràng hơn, tránh việc quy định một cách chung chung… Chính vì vậy mà cần thiết phải có những điều chỉnh phù hợp đối với các quy định trong Bộ luật TTHS tạo cơ chế bảo vệ tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của người dưới 18 tuổi phạm tội.

6. Thời hạn giải quyết vụ án hình sự

BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn tạm giam người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thời hạn tiến hành các giai đoạn tố tụng đối với người dưới 18 tuổi thì không có sự khác biệt. Theo Ủy ban Quyền trẻ em, có một sự đồng thuận mang tính quốc tế rằng đối với trẻ em vi phạm pháp luật hình sự thì thời hạn giải quyết VAHS tính từ khi thực hiện tội phạm cho đến khi có quyết định xử lý cuối cùng càng ngắn càng tốt bởi vì thời hạn này càng kéo dài thì có thể việc xử lý sẽ mất đi những tác động tích cực như mong muốn và trẻ em sẽ bị bêu xấu (stigmatised) nhiều hơn. Do đó, BLTTHS năm 2015 nên bổ sung quy định về thời hạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi ngắn hơn thời hạn tương ứng áp dụng với VAHS của người đủ 18 tuổi trở lên. Điều này góp phần cụ thể hóa nguyên tắc bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi (khoản 7 Điều 414).

DỊCH VỤ CỦA LUẬT SAO SÁNG

          Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ trọn gói dựa trên các thông tin, yêu cầu và tài liệu quý khách hàng cung cấp.

Luật Sao Sáng sẽ thực hiện tư vấn tòa bộ các vấn đề liên quan, hướng dẫn chi tiết cách chuẩn bị các tài liệu, hỗ trợ soạn thảo hồ sơ đầy đủ chính xác theo quy định của pháp luật.

Vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 để được nhận tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .