Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Những điểm mới trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 về kiểm soát tài sản, thu nhập

8:34 SA
Thứ Bảy 14/08/2021
 429

Trong những năm gần đây, tội phạm về tham nhũng ở nước ta xảy ra có xu hướng ngày càng gia tăng và có tính chất nguy hiểm hơn, gây nhức nhối dư luận xã hội. Để hoàn thiện hơn về pháp luật phòng, chống tham nhũng thì Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày01/07/2019. Theo đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung nhũng điểm mới thay thế cho luật cũ, trong đó có việc kiểm soát tài sản, thu nhập

1. Khái niệm tham nhũng

Trong khoa học thực tiễn đã có nhiều khái niệm khác nhau về tham nhũng.

Ban nghiên cứu thuộc Hội đồng châu Âu đã đưa ra khái niệm tham nhũng: “Tham nhũng bao gồm những hành vi hối lộ và bất kì một hành vi nào khác của những người được giao thực hiện một trách nhiệm nào đó trong khu vực nhà nước hoặc tư nhân, nhưng đã vi phạm trách nhiệm được giao để thu bất kỳ một thứ lợi bất hợp pháp nào cho cá nhân hoặc cho người khác”.

Theo Tổ chức Minh bạch Thế giới, tham nhũng là hành vi “của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”. Ngân hàng Thế giới cho rằng, tham nhũng là “sự lạm dụng chức vụ công để tư lợi”…

Có quan điểm cho rang tham nhũng là hành vi được thữ hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ công vụ đã được giao đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ công vụ đó để vụ lợi cá nhân và thông thường gắn với quá trình quản lý nhà nước hay tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. trong khi đó, có ý kiến cho rẳng, tham nhũng không chỉ giới hạn bởi các hành vi thuộc các cơ quan nhà nước mà còn ở những mối quan hệ khác trong xã hội, nó được xem như là một sự lợi dụng, biến lợi ích của tập thể thành lợi ích của cá nhân. Tham nhũng được thực hiện cả trong phạm vi ngoài nhà nước hay còn gọi là trong cả khu vực tư. Mặc dù được diễn đạt khác nhau, song hầu hết các quan điểm trên đều giống nhau ở chỗ cho rằng tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để trục lợi cá nhân.

Như vậy, tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhưng đac lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc công vụ, nhiệm vụ đó để vụ lợi cá nhân, làm thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

2. Kiểm soát tài sản, thu nhập trong Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Mục 6 Luật Phòng, chống tham nhũng.

Kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, đã được pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận. Đây là một biện pháp nhằm mục đích biết được các thông tin về thu nhập và việc chuyển hóa của thu nhập thành các dạng tài sản và các khoản chi tiêu dùng, chi đầu tư của cá nhân.

Những thông tin về thu nhập cần được kiểm soát bao gồm thông tin về các nguồn thu nhập, giá trị thu nhập, thông tin về mọi biến động thu nhập, tài sản và thông tin về các khoản chi phí, đặc biệt là những khoản chi có giá trị lớn của mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập còn mang ý nghĩa quan trọng nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của đội ngũ cán bộ, công chức. Thông qua việc kiểm soát, cơ quan có thẩm quyền có thể xác định tổng thu nhập hợp pháp của cán bộ, công chức. kết hợp với các biện pháp về xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể kết luận về hành vi làm giầu bất chính của công chức, làm căn cứ để đấu tranh và loại bỏ hành vi tham nhũng. Quy định này chính là cơ chế phòng ngừa hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.

Kiểm soát thu nhập phải gắn liền với kiểm soát tài sản và cả các khoản chi tiêu dùng, chi đầu tư, để tất cả tiền, tài sản liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn đều bị kiểm soát và có các cơ sở để đối chứng khi xác minh.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cần phối hợp nhiều biện pháp, tạo một cơ chế đồng bộ và có sự kết nối giữa các phương thức hiện nay như về kê khai tài sản, thu nhập, về nộp thuế thu nhập cá nhân, về thanh toán không dùng tiền mặt và quy định về việc nhận quà tặng và nộp lại quà tặng; tạo sự kết nối giữa các phương thức trên trong việc giám sát, phát hiện và xác minh các khoản thu nhập có nguồn gốc bất hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn.

3. Những điểm mới của Luật Phòng chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập

Vấn đề kiểm soát thu nhập được nhắc tới từ Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 với việc quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản; Luật PCTN năm 2005 phát triển chế định kê khai tài sản thành chế định minh bạch tài sản, thu nhập. Đến Luật PCTN (sửa đổi) lần này thì vấn đề được phát triển thêm một bước thành chế định kiểm soát tài sản, thu nhập, coi trọng việc kiểm soát tính xác thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Luật đã quy định hoàn thiện hơn hệ thống cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối, bảo đảm tính chuyên nghiệp, độc lập trong kiểm soát tài sản thu nhập. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được bổ sung nhiều thẩm quyền hơn, trong đó có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, như: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan thuế, công an, hải quan, những cơ quan tổ chức khác phải cung cấp thông tin có liên quan để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập. Căn cứ xác minh, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập được quy định rõ ràng, mở rộng hơn; hình thức kê khai, phương thức kê khai tài sản cũng có đổi mới để bảo đảm tính hiệu quả cao hơn. Có nhóm đối tượng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn, như: Nhóm giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên sẽ buộc phải kê khai hằng năm. Những nhóm đối tượng tuy không giữ chức vụ cao nhưng công tác ở những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng cũng sẽ phải kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập một cách ngặt nghèo hơn.

Cùng với đó, công nghệ thông tin sẽ được phát huy tác dụng trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Luật đã có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn.

Thứ nhất, mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập.

“Điều 34. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập

1. Cán bộ, công chức.

2. Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.

3. Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.”

Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại Luật hiện hành mà được mở rộng và chi tiết như là: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân.

Thứ hai, Luật đã quy định thêm một số tài sản, thu nhập phải kê khai và bến động tài sản từ 300 triệu đồng/ năm phải kê khai bổ sung:

“Điều 35. Tài sản, thu nhập phải kê khai

1. Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm:

a) Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;

b) Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;

c) Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

d) Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

2. Chính phủ quy định mẫu bản kê khai và việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập quy định tại Điều này.”

Ngoài phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, như: Nhà, đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài. Luật mới yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo khoản 2 Điều 36, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

 “2. Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định tại khoản 3 Điều này.”

    Trường hợp có biến động tài sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh.

Người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Đồng thời, có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.

Thứ ba, về thời điểm kê khai tài sản, thu nhập:

Nếu như trước đây, luật cũ không đề cập đến phương thức và thời điểm kê khai thì nay, Luật PCTN năm 2018 quy định rất cụ thể tại Đieều 36. Theo đó, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện theo các phương thức sau:

Kê khai lần đầu áp dụng đối với cán bộ, công chức; sĩ quan; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước 31/12/2019…

“1. Kê khai lần đầu được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:

a) Người đang giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2019;

b) Người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.”

Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động tài sản.

“2. Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định tại khoản 3 Điều này.”

Kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên; Người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công... Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 hàng năm.

“3. Kê khai hằng năm được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:

a) Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12;

b) Người không thuộc quy định tại điểm a khoản này làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.”

Thứ tư, bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai.

Điều 39 của Luật PCTN năm 2018 quy định rõ về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm; bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật bầu cử; bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn; bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

“Điều 39. Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập

1. Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

2. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

3. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.

4. Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

5. Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

6. Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều này.”

Thứ năm, kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỉ luật:

Theo khoản 3 Điều 51, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.

“3. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.”

Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

 Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến.

Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .