Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Tiền mất tật mang: Kết hôn “giả” để nhập quốc tịch nước ngoài

22:44 CH
Thứ Sáu 27/08/2021
 492

Khách hàng hỏi:

Thưa Luật sư, tôi có một vấn đề mong được luật sư tư vấn giúp tôi. Hiện tại, tôi đang sinh sống tại Hàn Quốc theo diện lao động, tôi có mong muốn được nhập quốc tịch Hàn. Tuy nhiên, tôi có làm thủ tục cách đây 3 năm nhưng thủ tục khá khó khăn và phức tạp. Tôi có gặp một người đàn ông Hàn Quốc họ nói sẽ kết hôn với tôi và bảo lãnh giúp tôi để được nhập quốc tịch, nếu thành công tôi chỉ cần trả một khoản tiền cho anh ấy. Tôi có nghe nói đây là hành vi kết hôn giả tạo và bị pháp luật Việt Nam cấm. Mong luật sư tư vấn cụ thể giúp tôi về trường hợp trên. 

Luật sư trả lời:

Thực trạng cho thấy việc kết hôn "giả" để nhập cảnh, nhập tịch quốc tịch nước ngoài ngày càng gia tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều người còn bỏ ra số tiền lớn để có thể thực hiện hành vi trên. Đó là tình trạng đáng báo động bởi việc phát hiện ra hành vi này rất khó, nhiều trường hợp chỉ đến khi có hậu quả xảy ra thì mới có thể xác định được có hay không hành vi vi phạm.  

Kết hôn “giả” là gì?

Căn cứ theo khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Theo đó, kết hôn "giả" là một trong những hành vi mà pháp luật Việt Nam nghiêm cấm quy định điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật theo khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Hành vi trên được thể hiện ở các biểu hiện sau đây:

- Đã thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Một trong hai bên hoặc cả hai bên đã vi phạm điều kiện kết hôn bằng việc lợi dụng kết hôn để thực hiện mục đích khác mà không phải xây dựng gia đình, có thể kể đến như: nhập cảnh, xuất cảnh, nhập quốc tịch Việt Nam, nhập quốc tịch nước ngoài, hưởng chế độ ưu đãi từ Nhà nước,…

Ngoài ra, kết hôn phải tuân thủ và đảm bảo các nguyên tắc cơ bản quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.”

Có thể thấy rằng, kết hôn giả tạo vẫn đảm bảo về mặt thủ tục đăng ký kết hôn nên vẫn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn theo quy định. Tuy nhiên, mục đích kết hôn không vì mục đích xây dựng gia đình mà vì bất kỳ mục đích nào khác, hay còn hiểu đó là những thoả thuận ngầm vì mục đích cá nhân, không xuất phát từ tình yêu đều bị coi là kết hôn giả tạo, vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ và được xác định là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Mức xử phạt cho hành vi này như thế nào?

Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có nêu rõ mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

d. Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

Như vậy, người nào kết hôn giả để nhập quốc tịch nước ngoài có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Không chỉ vậy, người vi phạm còn bị buộc phải chịu một số hậu quả bất lợi do thực hiện hành vi vi phạm này, ví dụ như có thể bị trục xuất về nước,...
Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi, cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến tất cả lĩnh vực để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng cảm ơn! 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .