Hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩn của người khác qua mạng xã hội hiện nay bị xử phạt như thế nào?
Hiện nay, cùng với sự phát triển của mạng lưới internet là sự ra đời của hàng loạt ứng dụng mạng xã hội như: facebook, tiktok, zalo,..thông qua các ứng dụng này con người có thể giao lưu, trao đổi, kinh doanh, buôn bán, giải trí,…Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của mạng xã hội, đã có nhiều người lợi dụng không gian mạng xã hội để thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Vậy hành vi này hiện nay bị xử phạt như thế nào? Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.
1. Hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác là gì?
Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác qua mạng xã hội là hành vi tuyên quyền, đăng tải những thông tin, hình ảnh sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của người khác.
Theo Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 về quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm thì:
- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Vậy theo quy định trên, thì danh dự, nhân phẩm của mỗi cái nhân đều được pháp luật bảo vệ và là quyền bất khả xâm phạm. Trường hợp bị người khác dùng mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm thì tùy vào từng mức độ của hành vi phạm tội sẽ bị áp dụng những hình thức xử hình phạt khác nhau: xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự,…
2. Hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt như thế nào?
2.1 Xử phạt hành chính:
- Theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trật tự công cộng thì người nào: Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.
- Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội thì người nào có hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.
2.2 Chịu trách nhiệm hình sự
Hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác qua mạng xã hội không chỉ bị xử lý vi phạm hành chính mà hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ dấu hiệu của tội vu khống và tội làm nhục người khác:
- Theo điểm a khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vu khống: Người nào có hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tền từ 10.000.000 đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
- Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội làm nhục người khác: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Trên đây là toàn bộ nội dung Luật Sao Sáng gửi đến Qúy bạn đọc về nội dung quy định của pháp luật về việc xử phạt hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác qua không gian mạng. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline 0936653636 – 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.