Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

PHẢI LÀM GÌ KHI CẢNH SÁT GIAO THÔNG RA TÍN HIỆU DỪNG XE ĐỂ KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT

14:54 CH
Thứ Sáu 12/05/2023
 335

Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư số 65/2020/TT-BCA, cảnh sát giao thông có quyền được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Có thể để kiểm tra giấy phép lái xe, kiểm tra nồng độ cồn hoặc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều người khi thấy cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe thì lo lắng, sợ hãi phóng xe chạy, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người xung quanh. Vậy nếu đang lưu thông trên đường mà cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe thì phải ứng xử như nào để không vi phạm pháp luật? Mời quý độc giả hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây!

1. Căn cứ pháp lý:

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

Thông tư 65/2020/TT-BCA

Nghị định 100/2019/NĐ-CP

2. Thẩm quyền và trách nhiệm của cảnh sát giao thông

Thứ nhất về chứng minh vi phạm lỗi: Cảnh sát giao thông phải chứng minh được lỗi vi phạm của người tham gia giao thông. Theo Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:

Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;”

Dù là bất cứ lỗi gì người dân đều có thể yêu cầu chiến sĩ cảnh sát giao thông chứng minh mình đã có hành vi vi phạm.

Việc chứng minh này có thể thông qua các bằng chứng như: ảnh chụp, video…hoặc người làm chứng. Vì vậy khi cảnh sát giao thông xử phạt, người dân có thể yêu cầu đưa ra căn cứ chứng minh vi phạm của mình, nếu cho rằng căn cứ xử phạt không đủ minh bạch, thuyết phục thì người dân có thể chứng minh ngược lại. Nếu cảnh sát giao thông không chứng minh được vi phạm thì không có quyền xử phạt trong trường hợp đó.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 65/2020/TT-BCA thì việc xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát giao thông được quy định như sau:

- Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản:

+ Thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo quy định.

+ Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thực hiện ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản:

+ Thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

+ Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính thì hướng dẫn và đề nghị người vi phạm cung cấp số điện thoại liên hệ để nhận thông tin, xử phạt thông qua Cổng dịch vụ Công quốc gia, ký vào biên bản và giao cho họ 01 bản;

+ Nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc 02 người chứng kiến ký vào biên bản; Trường hợp người vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt.

Thứ ba, Khoản 2 Điều 20 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính như sau:

- Trường hợp cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc để bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt, thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật;

- Khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì thông báo cho người vi phạm và những người có mặt tại đó biết, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; ra quyết định tạm giữ hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật; lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong thì tiến hành niêm phong theo quy định của pháp luật;

+ Trường hợp có căn cứ để cho rằng, nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ; đối với tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý. Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ;

+ Trường hợp, khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện giao thông không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành thì lập biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của 02 người làm chứng, ra quyết định tạm giữ theo quy định; sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (máy ảnh, camera) ghi lại hình ảnh tang vật, phương tiện; sử dụng các biện pháp (trực tiếp điều khiển, cẩu, kéo) hoặc thuê tổ chức, cá nhân điều khiển, cẩu, kéo đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ; xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến giải quyết (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này); người vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc thuê đưa tang vật, phương tiện đó về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật;

+ Trường hợp giao phương tiện giao thông bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm quản lý, bảo quản thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;

- Tạm giữ giấy tờ có liên quan đến người, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự (trừ khi các giấy tờ đó có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan):

+ Giấy phép lái xe;

+ Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;

+ Giấy đăng ký xe;

+ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định);

+ Các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt. Khi tạm giữ giấy tờ phải lập biên bản theo quy định.

3. Cần làm gì khi cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe?

Khi đang lưu thông trên đường mà cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe thì chúng ta cần thực hiện những thao tác sau:

Thứ nhất là dừng xe: Khi thấy cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe, chúng ta không nên hoảng hốt mà thay vào đó hãy bình tĩnh, giảm tốc độ từ từ, quan sát phía trước, hai bên đường và phía sau xe. Khi đã đảm bảo an toàn để dừng xe, cho xe dừng tại khu vực được cảnh sát giao thông chỉ dẫn, dừng xe tại ví trí an toàn, không ảnh hưởng tới làn đường giao thông của người khác. Nếu là ô tô thì phải bật đèn dừng khẩn cấp.

Thứ hai khi chuẩn bị xuống xe: bật ghi âm, ghi hình nếu có thể để làm chứng cứ, nếu đi xe ô tô thì ngồi nguyên tại vị trí lái, hạ kính xuống chờ cảnh sát giao thông đến. Quan sát kỹ cảnh sát giao thông xem đó là thật hay giả vì rất có thể đó là đối tượng lợi dụng việc thiếu hiểu biết về pháp luật và thiếu cảnh giác của người dân để giả danh cảnh sát giao thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trang phục, theo quy định tại Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA:

Điều 11. Trang phục; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát giao thông

1. Trang phục của Cảnh sát giao thông

a) Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang;”

Theo đó, khi làm việc, cảnh sát giao thông phải mặc trang phục cảnh sát và đeo số hiệu Công an nhân dân, đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất để phân biệt cảnh sát giao thông thật hay giả. Nếu phát hiện cảnh sát giao thông không có biển tên trên đó ghi số hiệu Công an nhân dân thì dứt khoát không làm việc vì đây rất có thể là cảnh sát giao thông giả hoặc cảnh sát giao thông không đủ điều kiện làm việc. Trong trường hợp này chúng ta không nên xuống xe mà hãy gọi cho cơ quan chức năng như cảnh sát 113 để phản ánh.

Thứ ba, sau khi đã xác định cảnh sát giao thông đó đủ điều kiện làm việc và được mời xuống làm việc, đối với ô tô, vẫn bật đèn dừng khẩn cấp và tháo dây an toàn, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết nhưng vẫn để nguyên trong túi đề phòng trường hợp bị cướp rồi mở cửa bước xuống; đối với xe máy, khóa xe lại cẩn thận, rút chìa khóa cất túi để phòng bị cướp trong lúc không để ý. Sau đó chờ cảnh sát giao thông chào mình theo đúng điều lệnh.

Thứ tư, nếu chúng ta tham gia giao thông có hành vi vi phạm giao thông thì phải tuân theo yêu cầu tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông và thực hiện xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP hoặc khi chúng ta không vi phạm mà cảnh sát giao thông yêu cầu thổi nồng độ cồn thì vẫn phải chấp hành mệnh lệnh.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về chủ đề Phải làm gì khi cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe để không vi phạm pháp luật. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .