VƯỢT ĐÈN ĐỎ NHƯỜNG XE ƯU TIÊN CÓ BỊ PHẠT KHÔNG?
Trong tham gia giao thông, việc tuân thủ quy định về tín hiệu đèn giao thông là nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn và trật tự trên đường. Tuy nhiên, có những tình huống đặc biệt, chẳng hạn như khi gặp xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ (xe cứu thương, cứu hỏa, công an…), người tham gia giao thông buộc phải đưa ra quyết định nhường đường ngay cả khi điều đó có thể vi phạm tín hiệu đèn đỏ. Điều này đặt ra câu hỏi: Hành vi vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có bị xử phạt hay không, đặc biệt trong trường hợp bị phạt nguội? Bài viết này sẽ đi sâu vào việc phân tích các quy định pháp luật liên quan, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia giao thông, cũng như cách xử lý khi gặp phải tình huống khẩn cấp cần nhường đường cho xe ưu tiên.
1.Vượt đèn đỏ là gì?
Vượt đèn đỏ là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông đường bộ.
Lỗi vượt đèn đỏ được hiểu là lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đây là hành vi người điều khiển phương tiện không dừng lại khi đèn đỏ, mà tiếp tục di chuyển, vượt lên.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi vượt đèn đỏ nếu phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
2. Xe ưu tiên gồm những xe nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định:
Xe ưu tiên gồm:
- Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy.
- Xe của lực lượng quân sự, công an và kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.
- Đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường.
- Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu.
- Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ.
- Xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
- Đoàn xe tang.
Lưu ý: Xe ưu tiên được quyền đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
(1) Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy;
(2) Xe của lực lượng quân sự, công an, kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường;
(3) Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu;
(4) Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
(5) Đoàn xe tang.
Đồng thời, xe ưu tiên quy định tại các mục (1), (2), (3), (4) không bị hạn chế tốc độ; được phép đi không phụ thuộc vào tín hiệu đèn giao thông, đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được; riêng đối với đường cao tốc, chỉ được đi ngược chiều trên làn dừng xe khẩn cấp; phải tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu tạm thời.
Và khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, trạm thu phí phải ưu tiên cho xe ưu tiên qua trạm trong mọi tình huống, không được gây cản trở.
2. Vượt đèn đỏ nhường xe ưu tiên có bị phạt không?
Theo quy định nêu trên thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải nhường đường khi có tín hiệu của xe ưu tiên bằng cách giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại mà không nêu rõ được vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định:
Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.
Theo đó, một trong những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính là thực hiện hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết. Như vậy, đối với hành vi vượt đèn đỏ nhường xe ưu tiên được xác định là hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết thì sẽ không bị xử phạt.
3. Không nhường xe ưu tiên có bị phạt hay không?
- Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
- Theo quy định tại điểm g khoản 6 Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì người điều khiển xe máy chuyên dùng không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
- Theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng.
Trân trọng cảm ơn!