Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Vợ chồng có quyền có tài sản riêng không?

16:16 CH
Thứ Năm 10/06/2021
 1306

Pháp luật hôn nhân và gia đình có quy định cho phép vợ, chồng có tài sản riêng hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật dân sự, nhằm bảo đảm cho vợ, chồng có thể tự mình thực hiện các nghĩa vụ riêng mà không phải phụ thuộc vào ý chí của bên kia. Ngoài ra, việc quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng còn nhằm ngăn chặn việc kết hôn vì mục đích lợi ích kinh tế mà không nhằm xác lập quan hệ vợ chồng.

Tài sản riêng của vợ chồng

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định tài sản riêng của vợ chồng gồm:

  • Tài sản có trước khi đăng ký kết hôn.
  • Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kì hôn nhân.
  • Tài sản được chia sau khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
  • Tài sản được hình thành từ tài sản riêng.
  • Hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng sau khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.
  • Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
  • Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
  • Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Quyền của vợ chồng đối với tài sản riêng

Vì đây là tài sản riêng của vợ, chồng nên vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Vợ, chồng tự mình quản lý, bảo vệ tài sản riêng của mình và tự mình chịu trách nhiệm đối với việc đó. Trường hợp vì một lí do nào đó mà vợ, chồng không thể tự mình quản lý, bảo vệ tài sản của mình thì có thể ủy quyền bằng văn bản cho vợ, chồng của mình hoặc người thứ ba thay mình chiếm hữu tài sản trong phạm vi ủy quyền. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó nhưng phải bảo đảm lợi ích cho người có tài sản.

Vợ, chồng có toàn quyền sử dụng tài sản riêng vào những mục đích mà mình muốn sử dụng dù là nhu cầu cá nhân hay nhu cầu của cả gia đình. Việc sử dụng tài sản riêng không cần phải có sự đồng ý của bên kia do vậy người sở hữu tài sản riêng không cần phải phụ thuộc vào ý chí của vợ, chồng của mình.

Việc phân chia rõ ràng tài sản riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quyền định đoạt tài sản. Vợ, chồng có quyền tự định đoạt tài sản riêng của mình, có thể sử dụng tài sản riêng để thực hiện các nghĩa vụ riêng, có thể chuyển giao quyền sở hữu hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản riêng mà không cần phụ thuộc vào bên kia. Tuy nhiên, cho dù là tài sản riêng và có quyền tự định đoạt nhưng quyền định đoạt của vợ, chồng đối với tài sản riêng bị hạn chế trong một số trường hợp nhằm bảo đảm cuộc sống chung của gia đình như trường hợp hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ và nếu tài sản chung không có hoặc không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.

Việc đưa ra những quy định về tài sản riêng của vợ chồng không làm ảnh hưởng tới tính chất của quan hệ hôn nhân và cũng không ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình bởi vì trong cuộc sống hôn nhân hòa thuận, hạnh phúc thì họ có thể thỏa thuận để người có tài sản riêng nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng mà không có sự phân biệt tài sản riêng của vợ của chồng. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung hoàn toàn được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng và được điều chỉnh bởi quy định tại điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng

Nghĩa vụ riêng về tài sản là những nghĩa vụ riêng của vợ, chồng không liên quan đến người kia và phải sử dụng tài sản riêng của mình để thanh toán những nghĩa vụ về tài sản này.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 tại Điều 45 Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

  • Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Dẫn chiếu tới quy định của điều 37 và điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, các trường hợp được loại trừ khỏi nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ chồng gồm:

  • Nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng mà tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình.
  • Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

Đây đều là những trường hợp sử dụng tài sản riêng của vợ, chồng vào việc duy trì, phát triển cuộc sống chung của gia đình nên những nghĩa vụ về tài sản của các trường hợp này là những nghĩa vụ chung của cả vợ và chồng không còn là nghĩa vụ của riêng vợ, chồng nữa.

Liên quan đến vấn đề trên, khách hàng cần giải đáp, xin liên hệ hotline công ty Luật Sao Sáng – 09366653636 để được hỗ trợ.
Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .