Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển: một số vấn đề cần lưu ý khi soạn Hợp đồng

9:01 SA
Thứ Bảy 12/06/2021
 1860

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa được soạn thảo theo phương thức chuyên chở, cách phân loại phổ biến hiện nay là dựa vào phương thức thuê tàu. Có hai loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng thuê tàu chuyến.

Hỏi: Tôi muốn nhập khẩu một lô hàng theo đường biển nhưng chưa rõ phương thức vận chuyển nào ít rủi ro cho phía công ty tôi. Tôi được biết công ty Luật Sao Sáng có nhiều kinh nghiệm tư vấn thủ tục cho doanh nghiệp nên tôi mong Quý công ty giải đáp giúp để Công ty tôi có lựa chọn hình thức vận chuyển phù hợp và nhanh chóng ký kết hợp đồng với chủ tàu. Tôi cảm ơn Quý công ty đã đọc mail của tôi. (sonhacorp…@gmail.com)

Căn cứ:

  • Luật hàng hải 2015;
  • Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG 1980) United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods.
  • Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển, gọi tắt là Công ước Brussels năm 1924 (Quy tắc Hague).
  • Công ước Liên hợp quốc về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển 1978 (Quy tắc Hamburg).
  • Incoterms 2020;
  • Các văn bản liên quan;

Trả lời:

Cảm ơn khách hàng sonhacorp…@gmail.com đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới hòm thư điện tử của Công ty luật TNHH Sao Sáng. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển mang tính dịch vụ, là hoạt động doanh nghiệp khai thác tàu biển của mình để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng và thu giá dịch vụ vận chuyển do người thuê vận chuyển trả. Người chuyên chở chính là người cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường biển.

Thực tiễn hàng hải quốc tế có 2 phương thức chủ yếu để các bên có thể thực hiện việc vận chuyển hàng hóa, đó là:

  • Phương thức chuyên chở hàng hóa bằng tàu chợ;
  • Phương thức chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyến.

Tương ứng với các phương thức này, các bên có thể ràng buộc trách nhiệm với nhau thông qua hai loại hợp đồng vận chuyển chính: hợp đồng thuê tàu chợ theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyến.

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa được soạn thảo theo phương thức chuyên chở, cách phân loại phổ biến hiện nay là dựa vào phương thức thuê tàu.

Bộ luật Hàng hải Việt Nam (2015), tại Điều 146 cũng quy định có hai loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng thuê tàu chuyến.

1. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển hay còn gọi là hợp đồng thuê tàu chợ

Áp dụng trong các trường hợp chủ hàng có khối lượng hàng hóa không lớn, chủ yếu là những lô hàng lẻ, giữa cảng đi và cảng đến có tuyến đường tàu chợ.

Để lưu khoang tàu chợ, thông thường người thuê chở yêu cầu người chuyên chở hay đại lý thuê tàu lưu khoang một phần chiếc tàu chở hàng cho mình. Nếu người chuyên chở đồng ý thì giữa hai bên ký kết hợp đồng chuyên chở sơ bộ (Booking note) với mức cước nhất định.

Sau khi hàng hóa được xếp lên tàu, người vận chuyển hoặc đại diện của họ cấp phát cho người gửi hàng một chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển gọi là vận đơn đường biển (Bill of Lading). Đây là văn bản pháp lý điều chỉnh quan hệ giữa người vận chuyển và người gửi hàng. Mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan đến việc vận chuyển giữa người thuê chở và người chuyên chở được điều chỉnh theo các điều khoản của vận đơn. Vận đơn là bằng chứng duy nhất xác định và chỉ rõ nội dung của hợp đồng chuyên chở hàng hóa bằng tàu chợ đã được ký kết, là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp xảy ra về sau giữa người phát hành vận đơn và người cầm giữ vận đơn.

Ưu điểm:

  • Tàu chợ là tàu chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, ghé qua những cảng nhất định theo một lịch trình định trước. Do tàu chạy theo một luồng có sẵn, có lịch trình định trước nên chủ hàng có thể dự kiến thời gian giao hàng, đồng thời tính toán được chi phí vận chuyển vì giá cước thuê tàu chợ đã được quy định sẵn trong biểu mẫu.
  • Chủ hàng có thể chủ động thuê chở bất cứ loại hàng nào, không hạn chế về số lượng, xác định được thời gian giao hàng tại cảng và không phải lo việc xếp dỡ hàng hóa lên xuống tàu (trách nhiệm này thuộc về chủ tàu).
  • Thủ tục ký kết hợp đồng thuê tàu chợ rất đơn giản và nhanh chóng.

Nhược điểm:

  • Việc giao kết được thực hiện thông qua thỏa thuận miệng hoặc bằng cách giao chứng từ hàng hóa. Điều khoản thực hiện đơn giản.
  • Rủi ro thuộc về bên nhận hàng khi không kiểm tra được lai lịch tàu và không được miễn trừ điều kiện bất khả kháng, sự cố bất ngờ khi tàu không cập bến theo lộ trình.
  • Nếu cảng xếp dỡ hàng nằm ngoài lịch trình quy định của tàu thì việc tổ chức chuyên chở sẽ thiếu linh hoạt do tàu không thể thay đổi lịch trình.
  • Chi phí xếp dỡ đã được tính trong biểu cước nên cước phí tàu chợ luôn ở mức cao và người thuê vận chuyển muốn giảm giá cước thì phải thông qua thương lượng đàm phán.
  • Người thuê vận chuyển không được tự do thỏa thuận các điều kiện chuyên chở mà thường phải chấp nhận các điều khoản do chủ tàu in sẵn trong vận đơn đường biển

2. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến

Tàu chuyến là loại tàu không chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định, không đi qua những cảng nhất định và không theo một lịch trình đã định trước. Chủ tàu cho người thuê tàu toàn bộ hay một phần chiếc tàu để chuyên chở hàng hóa từ cảng này đến cảng khác và được hưởng tiền cước chuyên chở theo quy định của hợp đồng thuê tàu do hai bên thỏa thuận ký kết.

Ưu điểm:

  • Bên thuê kiểm tra được lai lịch tàu chở và mức độ uy tín của thủy thủ tàu.
  • Tàu chạy theo yêu cầu của chủ hàng/ người thuê tàu.
  • Hàng hóa chuyên chở trong hợp đồng thuê tàu chuyến thường là đầy tàu và được vận chuyển nhanh.
  • Giá cước vận chuyển rẻ hơn tàu chợ.
  • Tàu có thể thay đổi cảng xếp, cảng dỡ một cách dễ dàng nên hợp đồng có tính linh hoạt cao.
  • Việc giao kết được thực hiện bằng hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ.

Nhược điểm:

  • Quá trình đàm phán kéo dài khi một trong các bên không đồng ý với điều khoản hợp đồng.

Hợp đồng thuê tàu chuyến là văn bản pháp lý ràng buộc nghĩa vụ của người thuê vận tải và người vận tải. Hợp đồng thuê tàu chuyến thông thường được đàm phán, ký kết theo một thủ tục phức tạp hơn nhiều so với thuê tàu chợ. Mọi điều khoản đều được hai bên tự do thương lượng trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi nhằm xác định quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau. Người chuyên chở trong hợp đồng thuê tàu chuyến có thể là chủ tàu nhưng cũng có thể là người thuê tàu của người khác để chuyên chở kinh doanh thu tiền cước. Người thuê tàu để vận chuyển hàng hóa có thể là người xuất khẩu và cũng có thể là người nhập khẩu.

Từ những phân tích trên đây, Công ty luật Sao Sáng hi vọng Quý khách hàng đã có được những thông tin cần thiết giải đáp cho câu hỏi của mình.

Liên quan đến vấn đề trên, Quý khách hàng cần giải đáp, xin liên hệ hotline – 0936653636 để được hỗ trợ.

Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .