Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

KHÓ XỬ LÝ HÀNH VI THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN, NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

16:28 CH
Thứ Năm 28/09/2023
 265

Thị trường chứng khoán (TTCK) luôn hào hứng nhưng cũng không kém phần gian nan, đặc biệt khi nhà đầu tư phải đối mặt với những nguy cơ thao túng TTCK. Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được chính là lý do khiến hành vi thao túng TTCK vẫn liên tục tái diễn, gây mất công bằng cho thị trường. Chính vì vậy, việc cải tiến và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán trở nên rất cần thiết để có thể đáp ứng được sự phát triển của thị trường. Bài viết sau đây của Luật Sao Sáng sẽ cho quý độc giả cái nhìn tổng quan về vấn đề này!

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 – BLHS 2015;
  • Luật Chứng khoán 2019;
  • Nghị định 156/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
  • Nghị định 128/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

I. Thao túng thị trường chứng khoán là gì?

Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 quy định các hành vi được coi là thao túng TTCK:

  1. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
  2. Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán;
  3. Kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP làm rõ, thao túng TTCK là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:

- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

- Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Tóm lại, thao túng TTCK là hành vi cố ý đánh lừa các nhà đầu tư bằng cách kiểm soát hoặc tác động giả tạo đến giá chứng khoán. Hành vi này cũng có thể liên quan đến các tuyên bố sai sự thật nhưng làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán nhằm đánh lừa các nhà đầu tư khác.

II. Một số hạn chế trong quy định pháp luật về quản lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán 

a, Thiếu cơ sở pháp lý chứng minh hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Thứ nhất, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết để mô tả một hành vi là thao túng TTCK, bỏ sót nhiều trường hợp không thể kết tội

Ví dụ Điều 35 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 29 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP) quy định người dùng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán hoặc thao túng TTCK có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị phạt tiền gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật. Tuy nhiên, việc chứng minh một người thao túng giá chứng khoán thường rất khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. 

Giả sử, lãnh đạo doanh nghiệp có thể thông đồng lộ tin tức ra cho người không thuộc diện phải công bố thông tin để người này liên tục mua bán chứng khoán kiếm lời, sau đó chia chác lợi nhuận với nhau. Đây rõ ràng là thao túng TTCK nhưng để có bằng chứng cũng không phải dễ vì không thể kiểm soát mối quan hệ của các cá nhân trong xã hội. Hay các cổ đông nội bộ hoặc người liên quan cũng có thể dùng một “tài khoản phụ” đứng tên người khác để mua hàng triệu chứng khoán. Sau khi “ngầm” mua xong thì mới nộp văn bản chính thức đăng ký mua. Trong thời gian đã đăng ký, chứng khoán sẽ được chuyển từ “tài khoản phụ” sang tài khoản chính chủ bằng giao dịch thỏa thuận. Cách làm này giúp cho người nội bộ mua được chứng khoán một cách bí mật, không lo giá bị đẩy lên cao sau khi công bố thông tin. Khi muốn bán chứng khoán cách làm cũng tương tự, “tài khoản phụ” sẽ bán trước khi ra tin, sau đó chuyển chứng khoán từ tài khoản chính chủ sang bằng giao dịch thỏa thuận. Việc thực hiện giao dịch mua, bán chứng khoán này thực chất không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo. Chỉ dựa vào sao kê hoạt động tài khoản sẽ không tìm được bằng chứng sai phạm.

Thứ hai, việc phát hiện và chứng minh thiệt hại vật chất của hành vi thao túng giá trong lĩnh vực chứng khoán để xử lý hình sự rất phức tạp

Tội “thao túng TTCK” theo quy định tại Điều 211 BLHS 2015 là tội có cấu thành tội phạm vật chất. Theo đó, các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là hành vi khách quan (sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo cung, cầu giả tạo; liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới…) và hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra (thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 01 tỷ đồng trở lên). 

Trên thực tế, khó xác định các nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán. Chính điều này khiến cho nhiều vụ việc dù chứng minh được hành vi khách quan nhưng lại không chứng minh được hậu quả của hành vi, dẫn đến việc hành vi chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính. Vì không phải nhà đầu tư nào bị thiệt hại cũng mong muốn đến cơ quan chức năng trình báo do tâm lý ngại mất thời gian, sợ ảnh hưởng đến uy tín của bản thân, hoặc một số khác do thực hiện nhiều giao dịch mua bán cổ phiếu không thể chính xác và có tâm lý chấp nhận số tiền thiệt hại đó như một khoản “đầu tư rủi ro”. Vậy nên, một phần số tiền “gây thiệt hại cho các nhà đầu tư” không được tính đến. Còn một phương án tính toán được đưa ra là căn cứ vào thống kê giao dịch của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, các ngân hàng, các công ty chứng khoán để xác định số tiền “thu lợi bất chính” hoặc số tiền “gây thiệt hại cho nhà đầu tư”. Tuy nhiên, cách này cần nhiều nhân lực và mất nhiều thời gian để rà soát, đối chiếu các giao dịch chứng khoán đã xảy ra; đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan với nhau. 

b, Chế tài xử phạt hành vi thao túng thị trường chứng khoán còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe

Thứ nhất, về truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 211 BLHS 2015, hành vi thao túng TTCK có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Hình phạt nặng nhất được quy định tại khoản 2 Điều này, theo đó người phạm tội có thể bị phạt tù 7 năm hoặc bị phạt tiền tối đa 4 tỷ đồng nếu có các tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm. 

Trên thực tế, số tiền thu lợi bất chính hay số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư do hành vi thao túng TTCK trên thực tế lớn hơn rất nhiều, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã có chế tài xử phạt hành vi thao túng TTCK rất nghiêm khắc. Điển hình như tại Mỹ, các cá nhân phạm tội thao túng TTCK có thể bị phạt tù tối đa lên tới 20 năm hoặc phạt tiền lên đến 5 triệu đô la, ngoài ra còn có thể một số hình phạt bổ sung khác như bị buộc từ chức tại công ty bị thao túng, không được đảm nhận vị trí lãnh đạo trong vòng 3-5 năm.

Thứ hai, về mức xử phạt vi phạm hành chính

Mặc dù Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt đối với hành vi thao túng TTCK, nhưng so với nguồn lợi từ việc thao túng TTCK đem lại vẫn rất thấp, vì thế chưa thực sự ngăn chặn được hành vi và đảm bảo tính răn đe. 

Hầu hết các vụ việc liên quan đến thao túng TTCK tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, khiến nhiều nhà đầu tư dần mất niềm tin vào thị trường. Bởi lẽ để một hành vi thao túng giá cổ phiếu chuyển sang vụ án hình sự, cơ quan điều tra phải chứng minh được cá nhân, tổ chức vi phạm đã thu lợi bất chính tối thiểu 500 triệu đồng và gây thiệt hại cho nhà đầu tư tối thiểu 1 tỷ đồng. Thế nhưng, trên thực tế không ít trường hợp thao túng giá cổ phiếu không để thu lợi trực tiếp mà thu lợi gián tiếp, trong khi việc chứng minh mức độ thiệt hại của nhà đầu tư lại phức tạp như đã phân tích về cơ sở chứng minh hành vi phạm tội còn thiếu tại phần trên. 

Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được chính là lý do khiến hành vi thao túng TTCK vẫn liên tục tái diễn, gây mất công bằng cho thị trường. Có thể dẫn chiếu tới vụ việc gần đây của ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) và các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan bị xử lý về hành vi “Thao túng TTCK” xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK Việt Nam. Ngày 18/01/2022, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định. Đồng thời, chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết bị xử lý. Nhìn lại thời điểm vào năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã từng “đánh úp” nhà đầu tư khi thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng sau đó lại bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC. Việc giao dịch của ông Quyết được thực hiện khi một cổ phiếu FLC ở ngưỡng 7.100-7.700 đồng, với giá trị giao dịch thu về ước tính đạt hơn 400 tỷ đồng. Thế nhưng, ông Quyết chỉ bị UBCKNN xử phạt hành chính 65 triệu đồng. Hành động của ông Quyết khiến hàng trăm nhà đầu tư thua lỗ, gây bất bình và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của TTCK nhưng mức phạt hành chính hiện nay là quá thấp.

III. Đề xuất hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm đối với hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán 

a, Giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật

Thứ nhất, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư để có cơ sở xử lý hình sự hành vi thao túng TTCK

Thứ hai, xác định “bị hại” trong tội danh này rất khó do không biết bị hại là ai hoặc bị hại không hợp tác trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến việc quá trình tố tụng vụ án gặp khó khăn. Do đó, cần có văn bản hướng dẫn về trong trường hợp không xác định được bị hại nhưng có xác định được số tiền thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì vẫn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử bình thường

Thứ ba, cần tăng nặng mức hình phạt lên thành tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt đến 15 năm đến 20 năm thì mới đủ sức răn đe và đấu tranh phòng ngừa tội phạm này một cách hiệu quả.

Thứ tư, cần bổ sung chế tài xử phạt đối với các chủ thể liên quan như: các tổ chức, cá nhân cho mượn hoặc vô ý để đối tượng thao túng sử dụng tài khoản để thao túng giá chứng khoán.

Thứ năm, cần có văn bản quy phạm pháp luật để tách trách nhiệm hình sự pháp nhân với các cá nhân trong tội danh này. (Thực tế từ khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành thì chưa có pháp nhân công ty nào bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội danh này)

b, Giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán

Thứ nhất, xử lý các thông tin có tác động đến TTCK: Căn cứ theo Luật chứng khoán, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin bất thường, thông tin định kì. Khi có tin đồn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán, phối hợp với các công ty niêm yết công bố thông tin, xác minh kiểm chứng thông tin, tổ chức thoại, nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư cần phải tỉnh táo trước tin đồn, đưa ra những quyết định đúng đắn.

Thứ hai, hạn chế sai phạm bằng giám sát hiệu quả: UBCKNN cần tăng cường phối hợp với các cơ quan công an, các cơ quan chức năng khác trong hoạt động giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các giao dịch bất thường liên quan đến thao túng giá cổ phiếu. Đồng thời, cần rà soát lại các công ty, doanh nghiệp đã và đang phát hành cổ phiếu lợi dụng các công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội. 

Thứ ba, cần xây dựng bộ chỉ số minh bạch thông tin đối với công ty niêm yết và hoàn thiện hệ thống công bố thông tin của Ủy ban chứng khoán nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua hotline: 0936.65.36.36 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .