Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

TRÌNH TỰ PHIÊN TÒA XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

13:27 CH
Thứ Hai 04/04/2022
 877

Hiện nay, việc tòa án xét xử và giải quyết người có hành vi phạm tội theo quy định BLHS bằng bản án, quyết định có hiệu lực bắt buộc thi hành đã trở nên rất phổ biến. Theo đó, khi tòa án thực hiện việc xét xử vụ án sẽ dựa trên nguyên tắc chế độ hai cấp xét xử (xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm). Theo đó, cấp xét xử đầu tiên khi tiến hành giải quyết một vụ án chính là cấp xét xử sơ thẩm. Vậy để hiểu rõ hơn về quy trình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thì đừng bỏ lỡ bài viết chúng tôi cung cấp dưới đây.

1.  Khái niệm xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Xét xử sơ thẩm là việc xét xử lần thứ nhất (cấp thứ nhất) do Toà án được giao thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành, thì xét xử sơ thẩm được xác định như là một giai đoạn kết thúc của quá trình giải quyết một vụ án hình sự, mọi tài liệu chứng cứ của vụ án do Cơ quan điều tra, truy tố thu thập trong quá trình điều tra đều được xem xét một cách công khai tại phiên toà, những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được nghe trực tiếp lời khai của nhau, được tranh luận chất vấn những điều mà tại Cơ quan điều tra họ không có điều kiện thực hiện.

2. Trình tự xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Bước 1: Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án:

Thứ nhất, Tòa án kiểm tra và xử lý bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo do viện kiểm sát giao và nếu đầy đủ thì tiến hành thụ lý vụ án.

Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

  • Đưa vụ án ra xét xử;
  • Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
  • Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Thứ hai, Giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa

Yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án;

Đề nghị của bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;

Đề nghị của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín;

Đề nghị của người tham gia tố tụng về việc vắng mặt tại phiên tòa.

Nếu xét thấy yêu cầu, đề nghị có căn cứ thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết theo thẩm quyền hoặc thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này và thông báo cho người đã yêu cầu, đề nghị biết; nếu không chấp nhận thì thông báo cho họ bằng văn bản nêu rõ lý do.

Bước 2: Thủ tục bắt đầu phiên Tòa

Chuẩn bị khai mạc phiên tòa (Điều 300 BLTTHS 2015)

Trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký Tòa án phải tiến hành các công việc:

  • Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lý do;
  • Phổ biến nội quy phiên tòa.

Khai mạc phiên tòa (Điều 301 BLTTHS 2015)

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Thư ký Tòa án báo cáo Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người được Tòa án triệu tập và lý do vắng mặt.

Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án và kiểm tra lý lịch, phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ.

Thủ tục bắt đầu phiên tòa được quy định chi tiết tại mục IV Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Bước 3: Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa

Thứ nhất, thủ tục xét hỏi tại phiên tòa

Công bố bản cáo trạng: Trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có). Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Trình tự xét hỏi: Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.

Công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố: Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp: Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố; Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án

Hỏi bị cáo, Hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, Hỏi người làm chứng, Hỏi người giám định, người định giá tài sản: hỏi để làm rõ những vấn đề chưa đầy đủ hoặc còn mâu thuẫn.

Kết thúc việc xét hỏi: chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không. Nếu không có yêu cầu xét hỏi thì kết thúc việc xét hỏi; nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc xét hỏi.

Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa: Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn.

Thứ hai, thủ tục tranh luận tại phiên tòa

Điều 322 BLTTHS năm 2015 quy định Tranh luận tại phiên tòa:

Những người tham gia tố tụng có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện để Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại.

Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.

Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án.

Nếu qua tranh luận mà thấy còn có tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì trở lại việc xét hỏi (Điều 323 BLTTHS 2015), nếu những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm thì kết thúc tranh luận bị cáo nói lời sau cùng (Điều 324 BLTTHS 2015). Sau đó HĐXX Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa (Điều 325 BLTTHS 2015).

Bước 4: Nghị án và tuyên án

Nghị án: Sau khi kết thúc tranh luận, hội đồng xét xử vào phòng nghị án để thảo luận về quyết định bản án, tiến hành xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến luận tội của viện kiểm sát, lời bào chữa, ý kiến của bị cáo, người có lợi ích cần được giải quyết trong vụ án. Thành viên hội đồng xét xử tiến hành biểu quyết các vấn đề của vụ án theo đa số. (Điều 326 BLTTHS 2015)

Tuyên án: Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo. (Điều 327 BLTTHS 2015).

Trả tự do cho bị cáo hoặc bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án. (Điều 328, 329 BLTTHS 2015)

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .