Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐIỀU TRA XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

14:47 CH
Thứ Sáu 01/04/2022
 456

Mỗi một vụ án hình sự lại có tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau chính vì vậy việc giải quyết một vụ án hình sự là rất khó và phức tạp. Hiện nay, nhiều người quan tâm đến quy trình giải quyết vụ án hình sự. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ điều này.

Tiếp nhận tố giác, thông tin sự việc ban đầu

- Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

- Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

- Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

Theo quy định tại Điều 145 BLTTHS năm 2015: “Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.”

Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  • Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

  • Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
  • Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
  • Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

Khởi tố vụ án hình sự

Khởi tố VAHS khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 143 BLTTHS 2015: Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

  • Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
  • Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
  • Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

Điều tra vụ án hình sự

Thẩm quyền điều tra một vụ án hình sự được quy định cụ thể tại Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, việc xác định cơ quan có thẩm quyền điều tra dựa vào ba yếu tố:

  • Theo hệ thống tổ chức của Cơ quan điều tra – loại Cơ quan điều tra;
  • Theo phân cấp Cơ quan điều tra;
  • Theo lãnh thổ – nơi xảy ra TỘI PHẠM.

Cụ thể:

Dựa theo cách xác định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo tổ chức hệ thống cơ quan điều tra: Cơ quan điều tra của công an nhân dân có thẩm quyền điều tra tất cả các loại tội phạm trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra trong quân đội và cơ quan điều tra của viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra của viện kiểm sát quân sự trung ương. Cơ quan điều tra trong quân đội điều tra những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự. Cơ quan điều tra của viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra những tội phạm được quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV Bộ luật hình sự năm 2015.

Dựa theo cách xác định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo lãnh thổ: Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra là cơ quan điều tra nơi tội phạm xảy ra. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Dựa theo cách phân chia thẩm quyền điều tra vụ án hình sự theo cấp điều tra: Cơ quan điều tra cấp nào thì điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp tương đương. Ngoài ra, các cơ quan đều tra cấp trên có thể điều tra những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra cấp dưới nếu như nhận thấy cần thiết và pháp luật có quy định. Đặc biệt, cơ quan điều tra Bộ Công an và Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra những vụ án hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Để xác định và chứng minh sự thật của vụ án, tìm ra đúng người đúng tội, cơ quan điều tra cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng khác thực hiện các hoạt động điều tra sau khi có quyết định khởi tố vụ án (trừ trường hợp khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015 bao gồm:

  • Khởi tố và hỏi cung bị can (Điều 183 BLTTHS)
  • Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đối chất và nhận dạng, nhận biết giọng nói. (Điều 187, 189, 190, 191 BLTTHS)
  • Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật (Điều 195, 196, 197 BLTTHS)
  • Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra (Điều 201,202, 203 BLTTHS)
  • Giám định và định giá tài sản. (Điều 205, 218 BLTTHS)
  • Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 223 BLTTHS)

Khi kết thúc điều tra cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc đình chỉ điều tra nếu có một trong các căn cứ quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự hay đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can là người thực hiện tội phạm.

Truy tố

Truy tố là đưa người phạm tội ra trước toà án để xét xử.

Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

  • Truy tố bị can trước Tòa án;
  • Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
  • Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Xét xử vụ án hình sự

Xét xử sơ thẩm

Thủ tục xét xử sơ thẩm bắt đầu khi Tòa án nhận được hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang (Điều 276 BLTTHS 2015). Trình tự xét xử tại phiên tòa bao gồm:

  • Khai mạc
  • Xét hỏi
  • Tranh luận trước tòa
  • Nghị án và tuyên án.

Quá trình xét xử được thực hiện theo nguyên tắc xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục, chỉ xét xử những bị cáo, những hành vi theo tội danh mà viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã có quyết định đưa ra xét xử.

Khi kết thúc hội đồng xét xử ra bản án hoặc các quyết định.

Xét xử phúc thẩm

Theo quy định tại Điều 330 BLTTHS, xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Quyền kháng cáo thuộc về bị cáo, người bào chữa, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án … được quy định chi tiết tại Điều 331 BLTTHS.

Quyền kháng nghị thuộc về Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên của Tòa án sơ thẩm được quy định tại Điều 336 BLTTHS.

Khi xét xử Hội đồng xét xử chỉ xử lại những phần bị kháng cáo, kháng nghị trong bản án của tòa sơ thẩm, nhưng trên cơ sở xem xét toàn bộ vụ án.

Tòa phúc thẩm có thể ra một trong các quyết định sau: bác kháng cáo, kháng nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, sửa án sơ thẩm; hủy án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại; hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Thi hành bản án và quyết định của Tòa án

Thi hành bản án và quyết định của Tòa là một giai đoạn trong tố tụng hình sự, có thể coi đó là giai đoạn cuối cùng của một vụ án hình sự. Thi hành án hình sự mang tính quyền lực của nhà nước nhằm buộc người có hành vi phạm tội phải thực hiện trách nhiệm của mình được quyên trong bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.

Công việc này do Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định. Việc thi hành các loại hình phạt phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Trong quá trình cải tạo, để động viên giáo dục người phạm tội luật tố tụng hình sự quy định việc giảm thời hạn và miễn chấp hành hình phạt đối với họ.

Việc thi hành án còn được quy định cụ thể tại Luật thi hành án hình sự năm 2010.

Xét lại các bản án và quyết định có hiệu lực của tòa án

Để đảm bảo tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, trong trường hợp các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện ra sai lầm về pháp luật thì được xử lại theo trình tự giám đốc thẩm (Điều 370 BLTTHS 2015) hoặc tái thẩm (Điều 397 BLTTHS 2015).

  • Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
  • Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .