Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

An toàn vệ sinh thực phẩm và quy định xử phạt vi phạm

10:38 SA
Thứ Tư 27/09/2023
 262

An toàn vệ sinh thực phẩm là nỗi lo lớn đối với toàn xã hội, khi những hành vi rất tinh vi và rất khó xác định bằng mắt thường khiến người dân lúc nào cũng sống trong nỗi lo, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Vậy những trường hợp nào thuộc diện được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và quy định xử phạt.

Căn cứ:

Luật an toàn thực phẩm 2010;

Nghị định 15/2018/NĐ – CP;

Nghị định 115/2018/NĐ – CP;

Nghị định 124/2021/NĐ – CP sửa đổi, bổ sung.

I. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như nào.

Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ – CP quy định về cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điện kiện an toàn thực phẩm như sau:

“1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này. 2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm. Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định này.”

Riêng đối với các cơ sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải tuân thủ theo quy định của điều 28 Nghị định 15/2018/NĐ – CP.

II. Điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

a. Đối với cơ sở thuộc diện cấp giấp chứng nhận.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm 2010 ta thấy:

“1. Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:

 a) Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật này;

b) Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”

b. Đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ – CP:

“Điều 12. Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

c) Sơ chế nhỏ lẻ;

d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

e) Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

g) Nhà hàng trong khách sạn;

h) Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

i) Kinh doanh thức ăn đường phố;

k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.”

III. Các hành vi vi phạm hành chính về trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm gồm:

“Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm;

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm tới người tiêu dùng;

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm;

 Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.”

IV. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Các hình thức xử phạt với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 2 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, khoản 1 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung:

– Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

– Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

– Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 01 tháng đến 06 tháng, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 tháng đến 24 tháng;

– Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng.

– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung thì cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

 – Buộc tái xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;

 – Buộc tiêu hủy thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nguyên liệu, chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm có nội dung vi phạm; tang vật vi phạm; lô hàng thủy sản không bảo đảm an toàn thực phẩm;

– Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng;

– Buộc thu hồi thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vi phạm; tài liệu, ấn phẩm đã phát hành;

– Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm vi phạm;

– Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm;

– Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm;

– Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm;

– Buộc ngừng việc sử dụng phương tiện vận chuyển;

– Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu;

– Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

– Buộc nộp lại giấy tờ, tài liệu đã bị sửa chữa, tẩy xóa.

Trên đây là tư vấn của của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .