Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Biện pháp bảo lưu quyền sở hữu

9:08 SA
Thứ Bảy 17/07/2021
 1463

Biện pháp bảo lưu quyền sở hữu là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới được bổ sung ở Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015), cụ thể Điều 331 BLDS 2015 quy định: Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.

Với quy định trên, bản thân việc “bảo lưu quyền sở hữu” phải được các bên thỏa thuận và thỏa thuận này “phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán”. Điều này đồng nghĩa với việc quyền sở hữu tài sản của bên bán chỉ có thể được bảo lưu khi các bên trong hợp đồng mua bán có thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm này để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Nếu như các bên trong hợp đồng mua bán không có thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm này thì sẽ không làm phát sinh việc bảo lưu quyền sở hữu tài sản của bên bán. Ngoài ra, theo Điều 331 BLDS 2015, bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp chỉ áp dụng trong hợp đồng mua bán tài sản.

  1. Nội dung bảo lưu quyền sở hữu

Cùng với việc ghi nhận bảo lưu quyền sở hữu như một biện pháp bảo đảm, BLDS 2015 còn đưa ra nội dung của quyền bảo lưu quyền sở hữu thông qua các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên.

Xét về bản chất khi hợp đồng mua bán có sử dụng biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thì mặc dù bên mua chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ thanh toán chưa đầy đủ cho bên bán nhưng họ lại được nhận tài sản mua bán và có quyền đưa tài sản vào sử dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cũng như phải chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu; còn bên bán đã giao vật cho bên mua nhưng họ vẫn còn quyền sở hữu đối với tài sản đã bán. Về phương diện pháp lý, hợp đồng mua bán tài sản được bảo đảm thực hiện bằng biện pháp bảo lưu quyền sở hữu được xem như là một dạng hợp đồng mua bán được giao kết với điều kiện bảo lưu, trì hoãn quyền sở hữu của bên bán đối với tài sản đã bán. Khi có thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này, quyền sở hữu của bên bán sẽ được bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ. Khi bên có nghĩa vụ không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán thì để thực hiện biện pháp bảo đảm này, pháp luật đã trao cho bên bán quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 332 BLDS 2015). Về phía bên mua, họ được sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực; Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 333 BLDS 2015).

Trong thực tế thì biện pháp này thường được áp dụng nhiều đối với hợp đồng mua bán mà đối tượng của hợp đồng mua bán sẽ là những tài sản có đăng ký quyền sở hữu như ô tô, xe máy, nhà,... Bởi lẽ, với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, bên bán dễ dàng hơn khi áp dụng biện pháp bảo lưu quyền sở hữu của mình. Cụ thể, vì đối với hợp đồng mua bán tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm chuyển quyền sở hữu chính là thời điểm bên mua hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản. Do vậy, khi bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận, lúc này để thực hiện quyền của mình bên bán sẽ không tạo điều kiện để bên mua hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu và sẽ thực hiện quyền đòi lại tài sản theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, như đã đề cập, bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm được áp dụng nhiều trong các hợp đồng mua bán mà đối tượng là tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Như vậy, có nghĩa là, thực tiễn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này có thể vẫn được áp dụng đối với những hợp đồng mua bán mà đối tượng của hợp đồng là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Chẳng hạn như hợp đồng mua bán điện thoại, máy vi tính,.... Như vậy, dù là loại hợp đồng mua bán mà đối tượng hợp đồng là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hay không phải đăng ký quyền sở hữu thì pháp luật vẫn trao cho bên bán quyền đòi lại tài sản khi hợp đồng mua bán đó có áp dụng biện pháp bảo đảm là bảo lưu quyền sở hữu. Tất nhiên, tùy từng loại tài sản mà mức độ rủi ro của bên có quyền cũng như tính khả thi trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm trên là khác nhau.

  1. Chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu

BLDS 2015 còn có quy định về chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu với nội dung theo đó, bảo lưu quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây: Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong; Bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu; Theo thỏa thuận của các bên (Điều 334).

Tóm lại, bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán được tiếp cận với tư cách là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cách tiếp cận mới này của BLDS 2015 là phù hợp với bản chất “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ” của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế về biện pháp bảo đảm của BLDS năm 2015.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .