QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KÝ CỦA CHI NHÁNH?
Khi các doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ, vượt ra khỏi địa bàn tỉnh, thành phố nơi công ty đặt trụ sở thì việc thành lập một chi nhánh để phối hợp trong kinh doanh cũng như để thâu tóm thị phần là điều vô cùng cần thiết. Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ chia sẻ những điều mà Doanh nghiệp cần biết để thành lập chi nhánh.
1. Chi nhánh là gì?
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể mở chi nhánh tại địa phương nơi doanh nghiệp đang đặt trụ sở; hoặc tại tỉnh/thành phố khác. Doanh nghiệp có thể đặt một; hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính.
Thông thường, để mở rộng hoạt động kinh doanh, người ta sẽ thành lập chi nhánh; hoặc văn phòng đại diện. Tuy nhiên, văn phòng đại diện thì không thể tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh; để phát sinh lợi nhuận được. Còn chi nhánh thì có thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo lợi nhuận như công ty tại trụ sở chính.
Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp thích lựa chọn thành lập chi nhánh công ty; để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
2. Quy định về đăng ký hoạt động của chi nhánh
Việc đăng ký hoạt động của chi nhánh theo Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
- Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.
- Trường hợp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm:
+ Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
+ Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
3. Chi nhánh có tư cách pháp nhân không?
Theo Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân như sau:
- Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
- Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
- Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.
- Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
- Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
- Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Như vậy, chi nhánh không có tư cách pháp nhân mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân và có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
4. Quy định về tên chi nhánh
Theo Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tên chi nhánh như sau:
- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.
- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.
Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về nội dung chi nhánh là gì? Quy định về hoạt động đăng ký của chi nhánh? Chúng tôi hy vọng bạn đọc có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.653.636 – 0986.864.314 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.