Thủ tục đăng ký kinh doanh quán Bar
Bar là một cơ sở kinh doanh phục vụ các loại đồ uống có cồn như bia, rượu vang, cocktail; các loại đồ uống khác như nước giải khát, nước khoáng, nước ép và các món ăn nhanh như khoai tây chiên, snack, đậu phộng,...Bên cạnh đó, quán bar còn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm với những trò chơi tiêu khiển và những chương trình ca nhạc có sự góp mặt của người nổi tiếng, vũ công chuyên nghiệp.
1. Giấy tờ, thủ tục cần chuẩn bị
Khi muốn thực hiện việc kinh doanh quán bar thì bạn phải thực hiện đăng ký thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể, bởi đó là điều kiện để xin giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
1.1. Thủ tục thành lập công ty
- Điều lệ công ty;
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty;
- Danh sách cổ đông (nếu chọn loại hình công ty cổ phần);
- Danh sách thành viên (nếu chọn loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên);
- Giấy ủy quyền (nếu người đại diện làm thủ tục không phải là đại diện pháp luật);
- Bản sao công chứng CCCD/hộ chiếu của người đại diện pháp luật, các thành viên hoặc cổ đông và người đại diện làm hồ sơ.
=>Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT tỉnh/thành phố.
Cách thức nộp hồ sơ: Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa - Sở KH&ĐT tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính hoặc nộp online trên Cổng thông tin quốc gia.
Thời gian giải quyết: 3 ngày làm việc.
1.2. Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
- Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cần chuẩn bị gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao công chứng CCCD/hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh;
- Bản sao hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà hoặc sổ đỏ đối với trường hợp chủ hộ đứng tên địa chỉ hộ kinh doanh.
=>Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh - UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Thời gian giải quyết: 3 ngày làm việc.
2. Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép con
Sau khi đã có giấy phép kinh doanh (doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh), bạn cần xin thêm các loại giấy phép con sau trước khi hoạt động để không vi phạm pháp luật, bao gồm:
- Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự;
- Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy;
- Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
2.1. Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ
Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ (mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy phép hộ kinh doanh cá thể;
- Hợp đồng thuê/mượn địa điểm để kinh doanh hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp;
- Hợp đồng mua, bán rượu với thương nhân đủ điều kiện kinh doanh rượu theo quy định của pháp luật.
=>Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện.
2.2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự
Hồ sơ xin giấy phép an ninh trật tự (giấy phép an ninh trật tự) cho quán bar bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 56/2023/NĐ-CP);
- Bản khai lý lịch kèm phiếu lý lịch tư pháp hoặc bản khai nhân sự (mẫu số 02) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh quán bar;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh;
- Bản sao hợp lệ các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa (ví dụ: biên bản kiểm tra an toàn về PCCC).
=>Chủ cơ sở kinh doanh bar có thể nộp hồ sơ theo 2 cách sau:
Nộp trực tiếp cho cơ quan công an có thẩm quyền hoặc cơ quan công an có thẩm quyền cao nhất (công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh);
Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
2.3. Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy (PCCC)
Căn cứ Điều 13, Điều 15, Phụ lục IV, Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP để xin cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy cần phải chuẩn bị những hồ sơ sau:
- Một là, hồ sơ thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy;
- Hai là, hồ sơ xin cấp văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Chi tiết hồ sơ như sau:
Hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC cần chuẩn bị các tài liệu sau, bao gồm:
- Bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế PCCC;
- Bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh khác;
- Bản sao giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC;
- Dự toán xây dựng công trình;
- Bản vẽ thi công thể hiện yêu cầu về PCCC.
Hồ sơ xin cấp văn bản nghiệm thu về PCCC bao gồm:
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận thẩm duyệt của cơ quan PCCC;
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC;
- Các biên bản nghiệm thu từng phần và nghiệm thu tổng thể hệ thống PCCC;
- Văn bản, tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng thiết bị, hệ thống PCCC;
- Bản sao giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC.
=>Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy): Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an cấp tỉnh.
2.4. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bao gồm cả quán bar được quy định tại Điều 36 Luật An toàn thực phẩm 2010 (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 Nghị định 155/2018/NĐ-CP).
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cần chuẩn bị những tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo mẫu ban hành kèm theo tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP);
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất phải có giấy xác nhận đủ điều kiện về sức khỏe, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp phép;
- Giấy xác nhận đã tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật.
=>Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền của các cơ quan sau: Bộ Y tế cấp hoặc phân cấp, ủy quyền cấp giấy chứng nhận.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !