CÔNG DÂN VIỆT NAM ĐƯỢC MANG BAO NHIÊU QUỐC TỊCH?
Luật Quốc tịch Việt Nam quy định tại Điều 4 về nguyên tắc quốc tịch, theo đó nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Như vậy, trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch theo Luật Quốc tịch.
1. Khái niệm về hai quốc tịch
Hai quốc tịch là tình trạng pháp lí của người cùng lúc có hai quốc tịch. Đây là tình trạng đặc biệt vì mỗi người khi được sinh ra thường chỉ có một quốc tịch. Sở dĩ trong thực tế có hiện tượng có hai hay nhiều quốc tịch là do một số nguyên nhân như: do có sự xung đột pháp luật về quốc tịch của các quốc gia khác nhau, do người đã nhập quốc tịch mới mà chưa mất quốc tịch cũ, trẻ em sinh ra mà cha mẹ có quốc tịch khác nhau....
Trong quan hệ quốc tế, việc kí kết các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương là một trong những biện pháp tương đối hiệu quả để hạn chế tình trạng hai quốc tịch. Khi kí kết, các bên có thể thoả thuận đưa nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu vào nội dung của điều ước. Theo nguyên tắc này, người có hai quốc tịch của hai nước kí kết sẽ chỉ được coi là công dân (tức là có quốc tịch) của nước mà họ thực chất gắn bó nhất nếu trong một thời gian nhất định họ không lựa chọn cho mình quốc tịch của một trong hai nước.
2. Điều kiện mang quốc tịch Việt Nam:
Về nguyên tắc, công dân nếu nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài (chỉ được mang một quốc tịch Việt Nam) theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam như sau:
Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam
1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
4. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
5. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
6. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam.
Công dân Việt Nam có thể mang 2 quốc tịch trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép theo quy định của pháp luật.
3. Các trường hợp công dân Việt Nam được phép mang 2 quốc tịch:
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch năm 2014 cho phép một số công dân được mang 2 quốc tịch: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.
Trong thực tế hiện nay, nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phía nước ngoài cấp hộ chiếu và công nhận quốc tịch (căn cứ vào pháp luật riêng của từng nước, có nước không bắt buộc công dân Việt Nam phải từ bỏ quốc tịch) nên việc công dân Việt Nam có 2 quốc tịch và sử dụng đồng thời 2 hộ chiếu là không trái với quy định của pháp luật.
3.1 Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (Sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014) quy định như sau:
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
3.2 Trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài nếu được Chủ tịch nước cho phép bao gồm:
+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
+ Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3.3 Trường hợp trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận nuôi.
Căn cứ khoản 1 Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định trường hợp trẻ em là công dân Việt Nam nếu được nhận làm con nuôi bởi người nước ngoài thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!