Đối tượng nào bị xử lý vi phạm hành chính? Các biện pháp xử lý và nguyên tắc và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Hiện nay, người dân vi phạm hành chính ngày càng nhiều và số lượng càng tăng theo thời gian, chính vì vậy, chúng tôi đã cung cấp cho quý bạn đọc một số kiến thức về lĩnh vực này để bạn có thể tham khảo:
1. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính gồm:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
- Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
- Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.
2. Có bao nhiêu biện pháp xử lý hành chính?
- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
+ Được áp dụng đối với các đối tượng vi phạm hành chính để giáo dục và quản lý họ tại nơi cư trú.
+ Thời hạn áp dụng từ 03 tháng đến 06 tháng.
+ Đối tượng áp dụng bao gồm:
+ Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một số hành vi như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.
- Đưa vào trường giáo dưỡng:
+ Áp dụng đối với các đối tượng vi phạm hành chính để đưa họ vào trường giáo dưỡng.
+ Thời hạn áp dụng từ 03 tháng đến 06 tháng.
- Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Được áp dụng đối với các đối tượng vi phạm hành chính để đưa họ vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm.
- Các trường hợp sau sẽ bị xử phạt hành chính là 02 năm:
+ Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước.
+ Các vấn đề liên quan đến thuế sẽ áp dụng theo luật thuế.
4. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
- Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
- Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
- Trường hợp các cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
5. Các nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý hành chính
- Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.
- Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
- Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
- Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp ý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@ gmail.com hoặc qua tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!