THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ LÀ GÌ? HÚT THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ CÓ BỊ CẤM KHÔNG?
Thuốc lá điện tử đã và đang lưu hành tại thị trường Việt Nam một cách phổ biến với người dùng phổ biến là giới trẻ. Vậy thuốc lá điện tử là gì? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những thông tin cụ thể về chất gây nghiện này.
1. Thuốc lá điện tử là gì?
- Thuốc lá điện tử (hay vape) là một thiết bị điện tử được thiết kế để mô phỏng cảm giác hút thuốc lá truyền thống. Thay vì đốt cháy thuốc lá, thuốc lá điện tử hoạt động bằng cách làm nóng chất lỏng (thường được gọi là eliquid hoặc tinh dầu) để tạo ra hơi, mà người dùng sẽ hít vào.
- Thuốc lá điện tử là một phiên bản khác của thuốc lá truyền thống nhưng không gây ra mùi khó chịu như loại truyền thống. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong những sản phẩm gây nghiện và có các chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe.
2. Thuốc lá điện tử có bị cấm không? Có được buôn bán tại Việt Nam không?
Hiện nay, việc sử dụng thuốc lá điện tử đang trở nên tràn lan. Thậm chí giới trẻ còn coi đó là trào lưu và đua nhau sử dụng. Vậy, quy định pháp luật về sản phẩm này như thế nào?
2.1 Việt Nam có cấm thuốc lá điện tử hay không?
Tại Việt Nam, việc các lứa tuổi đang sử dụng, thậm chí lạm dụng thuốc lá điện tử đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, về mặt pháp luật thì vẫn chưa có quy định nào đưa ra việc cấm sử dụng loại mặt hàng này.
Tại các địa điểm công cộng như trường học, khu vực bến xe, ga tàu,... thì có thể sẽ có biển báo cấm sử dụng thuốc lá. Và được ngầm hiểu rằng tất cả những sản phẩm như thuốc lá điện tử cũng sẽ bị nghiêm cấm sử dụng vì hành vi môi trường hoặc sức khỏe người xung quanh.
Tại Điều 25, Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định về việc hút thuốc lá tại các khu vực cấm sẽ bị xử phạt. Cụ thể như sau:
Khi hút thuốc lá tại các địa điểm quy định cấm hút, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phải nộp phạt với mức tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Trong trường hợp hút thuốc lá tại sân bay, tàu bay sẽ bị xử phạt theo quy định của hàng không dân dụng.
2.2. Quy định về buôn bán thuốc lá điện tử
Sản phẩm thuốc lá điện tử cũng được coi là thuốc lá. Vì vậy, đối với việc kinh doanh, buôn bán hay sản xuất đều phải đáp ứng đủ những quy định, điều kiện kinh doanh của pháp luật.
Điều kiện cấp giấy phép buôn bán sản phẩm thuốc lá điện tử:
Theo Khoản 2 Điều 26 Nghị định 67/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 106/2017/NĐ-CP và Khoản 7 Điều 3 Nghị định 08/2018/NĐ-CP quy định:
-
Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề kinh doanh là bán buôn thuốc lá;
-
Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá;
-
Có hệ thống bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (tối thiểu phải từ 02 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên).
-
Có văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh.
-
Có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu; đáp ứng yêu cầu về bảo quản thuốc lá trong quá trình sử dụng.
-
Điều kiện cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá điện tử:
Theo Khoản 3 Điều 26 Nghị định 67/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 106/2017/NĐ-CP và Khoản 7 Điều 3 Nghị định 08/2018/NĐ-CP quy định các điều kiện cấp giấy phép bán lẻ thuốc sản phẩm thuốc lá gồm:
-
Thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật.
-
Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá;
-
Có văn bản giới thiệu của các thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh.
-
Diện tích điểm kinh doanh tối thiểu từ 3m2 trở lên.
Như vậy, tại Việt Nam, dù việc sử dụng hay buôn bán sỉ, lẻ thuốc lá điện tử không bị cấm nhưng khi kinh doanh cũng cần đáp ứng các điều kiện nhất định.
Nhưng từ năm 2025, thuốc lá điện tử sẽ bị cấm, người sản xuất, kinh doanh, sử dụng mặt hàng này có thể chịu xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Từ năm 2025, sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử có thể bị phạt tù
Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Điều đó có nghĩa, từ đầu năm tới, thuốc lá điện tử sẽ bị coi là hàng cấm nên người sản xuất, kinh doanh, sử dụng mặt hàng này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 được thông qua chiều 30/11, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể nội dung nêu trên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Như vậy, từ năm 2025, thuốc lá điện tử sẽ được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm, sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành.
Theo quy định hiện hành, hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử có thể bị xử lý theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử có thể bị xử lý hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01-05 năm.
Trường hợp phạm tội: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05-10 năm.
Phạm tội thuộc trường hợp "hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên" thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01-03 năm.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !
Bài viết cùng chuyên mục
Ví dụ: đơn ly hôn, ly hôn đơn phương, tư vấn luật, tư vấn pháp luật, ...